1. Tối, những cơn gió xa tít đâu đó ùa về làm không khí trở nên se se lạnh…, thời tiết Sài Gòn bỗng dưng được pha trộn thêm chút gia vị lãng mạn của mùa Đông xứ Bắc. Lang thang một mình trên đường để tìm chút dư vị, nhưng chẳng hiểu vì sao, tôi lại chọn Ga Sài Gòn làm nguồn cảm hứng cho bài viết tản mạn cuối năm của mình.
Có lẽ, duy nhất đây là nơi mang lại cho tôi nhiều hoài niệm, là nơi đón tôi đến và cũng là nơi tiễn tôi đi trong nhiều năm đầu bước chân đến TP.HCM lập nghiệp.
Ga Sài Gòn những ngày cuối năm, những đoàn tàu lại hối hả ngược xuôi chở bao người về sum họp gia đình. Những chuyến tàu lăn bánh chở trên đó biết bao cảm xúc, bao nỗi mong chờ cùng tình yêu của những người con xa xứ về với quê hương.
Nhiều năm học tập và làm việc xa nhà, tôi đã có không ít cuộc hành trình trên những chuyến tàu Tết, những chuyến tàu đặc biệt của ngày Xuân.
Không phải ai cũng may mắn được làm việc và học tập trên quê hương mình, với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Có lẽ vậy mà người ta bảo nhau, muốn nghe Tết rộn ràng như thế nào, muốn nhìn Tết hối hả ra sao thì cứ đến ga tàu, bên xe sẽ cảm nhận được tất cả...
Những chuyến tàu lăn bánh chở trên đó biết bao cảm xúc, bao nỗi mong chờ cùng tình yêu của những người con xa xứ về với quê hương.
Loanh quanh một hồi ở quầy bán vé, tôi bắt gặp được ánh mắt mệt mỏi của một người đàn ông trung niên, có vẻ đã đợi khá lâu, chú Lương Văn Bưởu trải hẳn một chiếc chiếu ở dưới sàn để ngồi nghỉ.
Chuyến tàu về Bắc đi qua Quảng Bình quê chú khởi hành lúc 2h sáng hôm sau. Thế mà, từ 20h00, chú đã có mặt ở sân ga. “Ở nhà nôn nao quá, sáng sớm sợ trễ nên bắt thằng cháu chở ra bến. Kệ, ngồi xíu nhưng lâu lâu có người lại ngồi ké kể chuyện quê nhà cũng vui”.
Vào Sài Gòn hơn 20 năm, chú Bưởu làm phụ hồ. Ở vùng nắng gió quanh năm chỉ trông chờ vào hai mảnh ruộng, chú không đủ sức nuôi gia đình. Nhắc đến quê, chú chợt nhớ về cái Tết năm trước khi công chuyện làm ăn thất bát, chú chấp nhận ở lại Sài Gòn.
Năm nay, chú nhất quyết về quê, mà về rất sớm. Được số tiền thưởng cỏn con, chú mua vài món quà gói gém cẩn thận trong giấy báo, xem như gói ghém vị Tết trời Nam để mang về thưởng thức.
Chú khoe rằng, từ đầu tháng Chạp, cháu trai đã léo réo đòi nội về. Nó dặn mãi là sẽ không đòi thêm xíu tiền lì xì nào nữa. Bởi lẽ năm trước, nội nó vì thiếu tiền mà ở lại Sài Gòn, cả gia đình mất Tết. “Năm nay về, có nghèo tí nhưng Tết nào bằng Tết quê hương”.
2. Ngoài kia, tiết trời se se lạnh, mùa Xuân cũng đang đến. Không khí Xuân không chỉ đến giữa đất trời, đến trong lòng người, mà nó còn tràn ngập trên các sân ga, trên những chuyến tàu lăn bánh dọc theo chiều dài đất nước. Tiếng còi tàu vang lên càng thôi thúc những người làm ăn xa trở về với gia đình...
Cách đây 5 năm, tôi cũng là hành khách quen thuộc của những chuyến tàu chở mùa Xuân. Cũng là hình ảnh mà trước đó tôi từng chứng kiến, dòng người hối hả qua lại mang theo lỉnh kỉnh những hành lý, những vòng tay quyến luyến chạm nhau giữa ánh mắt khấp khởi đầy hào hứng của những người sẽ bước lên chuyến tàu sắp khởi hành.
Đi tàu những ngày giáp Tết, ai cũng mệt mỏi vì cảnh chen lấn bởi hầu như chuyến tàu nào cũng đông nghẹt người và chật ních hành lý. Một chuyến hành trình từ Nam ra Bắc có bao nhiêu chuyến xe hàng đẩy qua là bấy nhiêu lần hành khách đi tàu phải đứng lên, ngồi xuống như thế.
Nhưng dù thế nào, họ cũng hiểu và cảm thông cho nhau, cùng nhau chuyện trò rôm rả khiến chặng đường xa như ngắn lại. Để phần nào xua tan mệt mỏi cho người đi tàu, ga Sài Gòn đã bắt đầu phát những bài hát rộn ràng về mùa Xuân, khiến ai cũng cảm thấy ấm áp hơn.
Nghe những giai điệu đó, tôi lại hình dung ra cảnh đi chợ Tết, xem pháo hoa, ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng, những phong bao lì xì cho các em nhỏ… lòng chợt thấy háo hức, nôn nao. Nhìn ánh mắt của những người đi trên chuyến tàu, tôi tin họ đều có chung một niềm vui giống tôi, niềm vui của những người con phương xa trở về đoàn tụ với gia đình.
Còn nhớ, năm ấy, vì mua vé trễ nên tôi chỉ có thể ngồi khoang ghế cứng không điều hòa. Khoang tàu này đa phần là người lao động nghèo. Họ bảo, chọn ghế ngồi cứng là bởi bị say tàu và không chịu được “mùi” của điều hòa.
Hành lý của mọi người được đặt la liệt, từ trên kệ cho đến dưới sàn nhưng không vì thế mà họ chen lấn hay lớn tiếng với nhau.
Sau vài phút bỡ ngỡ, mọi người cùng nhau chuyện trò, mỉm cười, hỏi thăm những người kế bên xuống ga nào, quê ở đâu... Các câu chuyện tưởng như chẳng đầu, chẳng cuối nhưng rất chân thành ấy từ lúc nào đã kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau hơn.
Bây giờ, thanh xuân gần qua rồi, mà lòng người cứ ôm mãi những ký ức hồi mới lớn. Có lẽ vì thế mà mỗi lúc đến đây, tôi lại thấy cảm giác thích thú. Giờ Ga Sài Gòn đã khác, mới mẻ và hiện đại hơn. Chỉ duy một điều, tiếng rao đêm ngang những trạm ga vẫn luôn là điều ở lại sau mỗi lượt đón khách về.
3. 2h sáng! Tiếng còi tàu SE4 rền vang xé toang màn đêm của Ga Sài Gòn.
“Đoàn tàu SE4 đang chuẩn bị rời ga trên ray số 2! Quý khách nào có vé đi tàu xin tiến vào cửa số 1 ra khu vực đợi tàu...”. Tiếng cô phát thanh viên xen lẫn tiếng tàu rầm rập náo động cả một vùng!
Tàu đến, những ánh mắt hành khách sáng bừng, tươi vui. Những ngày cuối năm sân ga chật kín người. Họ chầm chậm bước lên tàu và cánh cửa sắt nặng trịch của từng boong tàu đóng lại.
Khi tín hiệu giao thông an toàn nháy sáng, con tàu sắt khổng lồ lại kéo bánh bước đi. Chuyến tàu đêm SE4 hôm nay ra Hà Nội, đưa chú Bưởu và những người xa xứ về quê nhà ăn Tết.
Tiếng còi tàu vang lên thả vào màn đêm một tiếng thở dài khiến tim tôi lặng đi một nhịp. Mẹ bảo, có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta.
Tết đến rồi, về nhà thôi!