Chống dịch ở chung cư, một góc nhìn khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các dự án chung cư là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với chủ đầu tư và ban quản lý dự án trong bối cảnh này do tính chất “ra đụng vào chạm” của cộng đồng dân cư này.
Ảnh: Lê Toàn Ảnh: Lê Toàn

1. Những khu vực sử dụng chung, dễ tập trung đông người trong một diện tích hẹp như thang máy, hành lang, nhà sinh hoạt cộng đồng… ở chung cư là những địa điểm rất dễ phát tán virus nếu cư dân hoặc khách vãng lai nhiễm bệnh.

Có thể thấy, người dân ở chung cư đa số là cộng đồng trẻ, nhạy bén thông tin thời sự nên ý thức đề phòng dịch bệnh khá cao. Trong mỗi tòa chung cư hiện tại thường có chung một group trên các mạng xã hội và đó là nơi để họ cảnh báo, nhắc nhở nhau về ý thức, thái độ với Covid-19 cũng như yêu cầu chủ đầu tư ban quản trị phải có các biện pháp đề phòng cho cư dân tòa nhà.

Do đó, đi đến tất cả các chung cư ở Hà Nội từ đầu năm đến nay, hình ảnh thường thấy khi người dân vào tầng 1 là chai nước rửa tay khô khử khuẩn được đặt bên ngoài thang máy, thậm chí có thêm 1 chai trong cabin thang máy. Ở một số toà nhà cẩn thận hơn gắn hộp giấy ăn khô, hộp tăm để cư dân và khách sử dụng bấm thang máy cho an toàn. Nhân viên vệ sinh một ngày 3 - 4 lần lau khử trùng trong cabin thang máy và sảnh tầng 1. Điều này tạo sự yên tâm cho cư dân sống trong các toà nhà.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiểm họa từ dịch bệnh không chỉ đơn thuần phòng chống bằng nước rửa tay khô, khẩu trang mà còn từ nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn, hiện nay, các hộ dân đang tranh cãi rất nhiều về việc có nên nuôi vật nuôi như chó, mèo hay trồng cây cảnh trong chung cư hay không. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông, các ban quản trị nhà chung cư chưa nói rõ "ngọn ngành" về khoa học, môi trường của vấn đề này, dẫn đến không có sự đồng thuận trong cư dân.

Thực tế, từ khi Việt Nam mở cửa giao thương, người Việt đi nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, dường như chưa ai đặt câu hỏi, tại sao các quốc gia phát triển không cho người nhập cảnh mang thực phẩm vào quốc gia của họ. Đặc biệt, các quốc gia G7 như Nhật Bản hay Mỹ đều cấm và người mang sẽ bị phạt rất nặng.

Khi người dân mang thức ăn hay sinh vật ngoại lai vào các quốc gia đó, cả hệ thống của họ sẽ phải kiểm dịch và phòng ngừa các rủi ro đối với cộng đồng. Bởi trong mỗi một cây trồng, vật nuôi ngoại lai đều mang lại nguy cơ rủi ro cực lớn cho môi trường, sinh vật bản địa cho quốc gia đó. Câu chuyện con ốc bươi vàng tại Việt Nam mấy chục năm rồi vẫn gây hệ lụy là một ví dụ điển hình.

Trong khi đó, Việt Nam lại rất “vô tư” khi cho nhập những động vật nuôi, như: cá cảnh, chó, mèo, chuột ngoại lai vào nước mình mà không cần biết ở quốc gia khác nó đã được thuần hóa, tiêm phòng bệnh hay chưa? Hay khi chúng sang đến Việt Nam thì chúng ta có cần phải xử lý các mầm bệnh không? Có phù hợp với môi trường sống của Việt Nam không? Các loại mầm bệnh sang đến nước ta có bị biến thể và gây hại cho con người không?

Khoa học đã chỉ ra rằng, tất cả virus ở trong con người đã được thuần hóa và tiến hóa, là những virus tốt. Nhưng ở động vật thì không. Đa phần các virus mang dịch bệnh đều xuất phát từ con vật, đặc biệt là gia cầm. Hầu hết các virus  như: Sars, Zika, Ebola đều từ động vật, sau đó biến thể và lây truyền sang con người. Nhìn sâu vào vấn đề này, chúng ta mới giật mình rằng, liệu các con vật như chim, chó, mèo được nuôi tại các gia đình có sinh ra các virus biến thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người? Trong khi đó, chung cư lại là một môi trường sống đông người, rất dễ lây lan dịch bệnh.

Chống dịch ở chung cư, một góc nhìn khác ảnh 1

Ảnh: Shutterstock

2. Các tòa nhà chung cư, cụm toà nhà chung cư, khu đô thị trong mùa dịch bệnh này là nơi tiềm ẩn, nguy cơ phát sinh lây nhiễm cao vì tập trung một lượng người rất lớn. Có dự án lên đến hàng vạn người, một toà nhà bình thường khoảng 300 - 400 căn hộ cũng lên đến cả nghìn người dân.

So với các cơ quan, xí nghiệp thì lượng người này lớn hơn, tính kỷ luật lại khá lỏng lẻo bởi rất đa dạng về vùng miền, lối sống, tập quán và lứa tuổi, ý thức về cái tôi cá nhân rất cao. Đằng sau mỗi toà nhà chung cư lại là một phong tục, thói quen sinh hoạt khác nhau của từng bộ phận cư dân, thậm chí là ý thức của những cư dân sinh sống tại các toà nhà, phân khúc chung cư cũng không giống nhau. Do đó, một trong những vấn đề cấp thiết của ban quản lý tòa nhà cùng ban quản trị khi đại dịch Covid-19 bùng phát chính là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho cư dân. Bởi nếu chỉ 1 người dương tính với virus, thì hàng trăm, hàng nghìn người bị tác động.

Ghi nhận tại một số chung cư cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Cụ thể, đề nghị tất cả các cư dân phải đeo khẩu trang trong thang máy và nơi công cộng, tuyệt đối không khạc nhổ trong thang máy. Đồng thời, không quẹt thẻ từ cho người lạ, người giao hàng lên các tầng căn hộ. Cũng có chung cư kiểm soát chặt chẽ việc người lạ ra vào cũng như việc mang thú nuôi vào trong nhà của cư dân.

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, điều quan trọng hơn là ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh của từng cư dân. Cũng giống như phần mềm “khẩu trang điện tử” Bluezone đang được khuyến cáo người dân cài đặt trên điện thoại. Nó sẽ chỉ có ích nếu một cộng đồng đủ lớn cài đặt và sẽ là lý tưởng nếu tất cả những ai có smartphone cài đặt trên điện thoại của mình.

3. Chung cư vốn là một cộng đồng sống đông người - môi trường rất dễ lây lan và bùng phát dịch bệnh. Tại Hàn Quốc, khu chung cư ở TP. Daegu từng có đến gần một nửa cư dân cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS - nCoV2. Điều đó cho thấy mức lây lan dịch bệnh ở chung cư nhanh và nguy hiểm như thế nào.

Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, một doanh nghiệp chuyên nghiệp về quản lý, vận hành chung cư cho rằng, dịch bệnh là một tai họa không ai mong muốn nhưng cũng là cơ hội để các tòa nhà có thể nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý vận hành chung cư một cách chính xác nhất, qua đó đưa ra những biện pháp kịp thời, hiệu quả và mang tính bao quát để đảm bảo cư dân ở toà nhà nào, phân khúc nào cũng có được môi trường sống lành mạnh, an toàn.

Theo bà Hương, trước tình trạng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát như hiện nay, dù tâm dịch đang ở Đà Nẵng, Quảng Nam, nhưng không ai dám tự tin khẳng định các tỉnh, thành phố khác là an toàn. Điều quan trọng hiện tại là ý thức của cư dân, nhất là trong vấn đề quản lý cư dân cùng khách hàng, hạn chế cho khách nước ngoài thuê nhà. Với những tòa nhà chung cư có khách nước ngoài thuê, ban quản lý tòa nhà cần phải có phương pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ, từ đó đưa ra phương pháp khai báo và có biện pháp cách ly kịp thời.

Ngoài ra, ban quản lý tòa nhà cũng phải xây dựng được cơ chế phục vụ, cơ chế thông tin tốt nhất cho cư dân, tạo điều kiện trong sinh hoạt, tránh lây nhiễm. Chẳng hạn, nếu trong khu chung cư có một hay một số gia đình phải cách ly tại nhà thì người có thể hỗ trợ tốt nhất trong việc mua sắm thực phẩm, vật dụng thiết yếu cho các cư dân này chính là đội ngũ do ban quản lý tòa nhà phụ trách. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để ứng dụng số hóa vào quản lý vận hành tòa nhà để từ đó, giúp ban quản lý tốt hơn trong việc phòng chống dịch bệnh trước mắt và an ninh an toàn lâu dài.           

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục