1. Bữa rồi tôi đi công tác ngoài Hà Nội. Bạn gái thân dẫn tới ăn tại quán phở trong con hẻm nhỏ chỉ 1 người đi lọt trên phố Hàng Trống. Quán phở nhỏ hẹp, ngồi trong không gian chỉ chừng vài mét vuông trong gia đình trên lầu. Nếu như có ai lỡ ốm bệnh, chắc cũng khó có thể nằm ngủ ở chiếc giường đó, hoặc khách cũng không thể bình tâm ngồi ăn được.
Cái nắng nóng mùa Hè, cộng thêm khói bốc hơi từ tô phở ập vào mặt, tạo cảm giác khủng khiếp. Ăn uống không thấy ngon, chỉ thấy lạ lẫm. Và khách thì xếp hàng để vào ăn. Chưa kịp uống ly trà đá, nhưng người tới sau nhìn mình bằng con mắt vừa năn nỉ, vừa khó chịu khi họ muốn ngồi vào chiếc ghế người khác đang ngồi, vậy nên vội vàng phải đứng dậy trả tiền. Gấp. Và không khỏi mắc cười.
“Chỉ ở Hà Nội mới có quán hàng và các nhà ở thế này”, cô bạn giải thích. Ồ, không. Sài Gòn cũng có nhiều căn nhà 2-3 m2 ngay trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, nhà chật vậy thì họ ở không xong, đâu có chỗ mà còn lo buôn bán nữa.
Đa số những cư dân đã ở trung tâm Sài Gòn (và cả các thành phố lớn khác) thường không muốn di chuyển đi xa hơn. Họ đã quen nếp sống chật chội, đông đúc ấy. Và trung tâm thành phố dễ kiếm tiền hơn. Chỉ cần thùng nước đá đặt ở vỉa hè, bán các chai nước đóng sẵn, là đã có thể kiếm đủ ăn qua ngày.
Những căn nhà nhỏ tí xíu là sản phẩm của việc giải phóng mở đường, của việc chia chác căn hộ tập thể tồn dư từ thời bao cấp, của vài nguyên nhân cá nhân khác. Có vài hộ dân không có nhà vệ sinh và nhà tắm trong nhà. Họ di chuyển ra các trung tâm thương mại gần đó để “ké” nhà vệ sinh và tắm ở nơi nào đó người bình thường khó có thể hình dung.
Ai đó đã đổ lỗi cho việc lấn chiếm vỉa hè quá dễ dàng để bán hàng, dẫn tới việc các căn nhà cực nhỏ như vậy còn tồn tại. Tuy nhiên, dù muốn hay không, thì cuộc sống đô thị như vậy vẫn là sự thật, không ai có thể xóa mờ đi được.
2. Cách nay vài ngày, chính quyền thành phố biển Vũng Tàu đã cưỡng chế tháo dỡ đồng loạt các căn nhà tạm lấn chiếm ở gần bãi tắm Đồi Nhái. Những căn nhà ấy, được xây dựng với vẻ tuyềnh toàng không muốn gọi là nhà. Chỉ cần cú huých nhẹ, là đổ rạp. Lỗi của chính quyền địa phương là ngay từ đầu đã không cương quyết với việc lấn chiếm này. Và thế hệ sau phải đi giải quyết cho những tồn đọng từ thời trước để lại.
Sự kiện này lại nhắc nhớ tới kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè ở Sài Gòn. Để có dòng kênh đẹp như ngày nay, chính quyền thành phố đã phải giải tỏa trắng cả trăm căn nhà lấn ra sông. Cuộc sống của những người trong các căn nhà tí teo làm bằng tràm, bằng cừ ấy thế nào: vứt rác búa xua xuống kênh, vệ sinh trực tiếp xuống kênh, chấp nhận sự hôi thối của dòng kênh đầy rác cho chính bản thân gây ra.
Sự lấn chiếm ấy, cùng tư duy ở tạm bợ, đã khiến bộ mặt đô thị bị chắp vá và méo mó. Người ta dễ cảm thương tới các thân phận nghèo khó, nhưng lại không nhìn thấy sự phát triển của sự văn minh cả thành phố.
Cũng như các gánh bán hàng rong đầu đường và đậu trên vỉa hè, y chang như vậy. Hay những chiếc xe ba gác, xe thô sơ chở hàng chất ngất trên đường, gây tai họa chực chờ, khiến đô thị luôn là cái chảo để sảy chân là lìa đời, cũng không có khác nhiều.
Tình yêu thương, tấm hình chụp rất nghệ thuật của ai đó đưa lên gánh hàng rong và văn hóa ăn uống ngồi vỉa hè, là có thật. Nhưng mở tầm mắt rộng ra với thế giới, thì những căn nhà 2 m2, những túp lều lấn chiếm xây dựng chẳng giống ai, đã là bức tranh kiến trúc quá tệ.
Thân phận con người, nghèo hay hèn, vẫn cho người ta có quyền tự chọn lựa kia mà!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com