Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng
Hiện tại, nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,2 - 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế, cách khá xa mục tiêu 10% vào năm 2025. Bởi lẽ, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp dè dặt trong việc tiếp cận kinh tế xanh do gánh nặng về chi phí và tốn kém thời gian. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, dẫn đến sự hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế xanh. Ngoài ra, khung pháp lý cũng chưa đầy đủ và thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may bắt buộc phải chuyển đổi xanh để tồn tại và phát triển, nhưng áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc... đang rất khắt khe. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đáp ứng các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm khi thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao như châu Âu hay Mỹ, nhưng hiện rất ít doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh. Cộng đồng doanh nghiệp dệt may mong cơ quan chức năng hướng dẫn linh hoạt cho doanh nghiệp và từng địa phương nhằm đảm bảo khả năng tài chính, nội lực để thực hiện. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi dòng vốn xanh để doanh nghiệp dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho hay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đang nóng lòng với việc triển khai tài chính xanh, vì bây giờ không “xanh” thì doanh nghiệp đối diện với nguy cơ không xuất khẩu được. Các doanh nghiệp mong được hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện. Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh, nhưng khó tiếp cận do chưa có khung pháp lý đầy đủ. Còn để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh huy động vốn là điều rất khó, bởi hầu hết doanh nghiệp tại TP.HCM có quy mô nhỏ và vừa. Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh thường có chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài..., nhưng các tổ chức tín dụng lại gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để đẩy mạnh tín dụng xanh.
Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cho phát triển xanh tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 368 tỷ USD.
Để thúc đẩy tài chính xanh, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác môi trường - ngân hàng - thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tính các nguồn vốn tài chính xanh, tín dụng xanh ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hàng năm để các ngân hàng có thêm dư địa đẩy mạnh cho vay. Đặc biệt, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống phân loại quốc gia (taxonomy), trong đó đưa ra một khung nêu lên các khái niệm, chính sách, quy định, cũng như các ưu đãi để thực hiện cam kết trung hòa carbon công bằng và hợp lý cùng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cùng dòng tài chính cho các hoạt động đó.
Theo ông Dominic Scriven, thách thức của Việt Nam ngày càng rõ nét khi các sản phẩm không đáp ứng được tiêu chí xanh sẽ gặp phải rào cản về thuế và các rào cản khác, điển hình là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU. Ngay cả với hoạt động công bố thông tin, các doanh nghiệp không chỉ cần theo đuổi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, mà còn phải tiến tới chuẩn mực quốc tế về tính bền vững.
Chờ động lực từ cơ chế, chính sách
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cho phát triển xanh tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 368 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng tăng trưởng tín dụng xanh và tài chính bền vững tại Việt Nam là rất lớn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Từ đó, Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng; phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án xanh; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, dành riêng cho hoạt động tín dụng xanh, gắn với mục tiêu xanh nhằm khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng thương mại mạnh dạn đưa vốn vào lĩnh vực này.
Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, tính đến hết năm 2023, BIDV là một trong những tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường, với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có dư nợ 57.000 tỷ đồng với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng. Cơ cấu nguồn vốn tài trợ cho tín dụng xanh của BIDV gồm nguồn vốn từ tiền gửi, vay các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nguồn vốn ủy thác.
Trong năm 2023, BIDV đã mở ra kênh huy động vốn mới, làm tiền đề gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu xanh. Đợt phát hành với quy mô 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế đã đưa BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước. Chỉ sau 2 tháng phát hành thành công, BIDV đã giải ngân hết vốn trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh phát triển, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam, ông Lâm kiến nghị, cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh, trong đó quy định phân loại, xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn. Quy định các tiêu chí xanh gồm các cấp độ tương ứng với mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế.
Đồng quan điểm, giám đốc ban tài trợ dự án một ngân hàng cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng, định hướng phát triển từng ngành hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trước mắt, cần sớm ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế, đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, từ đó sớm ban hành danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như đòi hỏi nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường, xã hội nhìn chung còn hạn chế; có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường, xã hội, chưa có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này...