Đẩy mạnh vốn xanh vào nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vai trò của tín dụng xanh trong nền kinh tế được đánh giá cao và là xu hướng tất yếu nên cần các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh trong tương lai.
Đẩy mạnh vốn xanh vào nền kinh tế

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ, từ năm 2014, Chính phủ đã có Quyết định 403 giao NHNN ban hành một số chính sách liên quan đến tín dụng xanh và NHNN cũng đã ban hành nhiều thông tư, quyết định, triển khai, đến nay đã được 9 năm.

Theo ông Lịch, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho những nước đang phát triển. Trên thực tế, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam gặp khó do chậm chuyển đổi xanh như dệt may.

Riêng tại TP.HCM, TS. Trần Du Lịch cho rằng, đối tượng ưu tiên thúc đẩy kinh tế xanh trong chiến lược phát triển Thành phố đang quy hoạch là lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện mái nhà, điện sinh khối, các chương trình chuyển giảm khí thải trong giao thông…

Sắp tới đây, khi định hình thị trường tín chỉ carbon, những doanh nghiệp không đủ yêu cầu, chắc chắn phải mua tín chỉ, và những doanh nghiệp thừa có thể bán tại thị trường này. Một trong những chi phí tài chính trong tương lai chính là mua hoặc thu lời từ tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, vấn đề này đặt ra bài toán thúc đẩy hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tín dụng xanh. Vấn đề này cần được làm mạnh mẽ hơn. Ông Lịch cho rằng, để thực hiện được cần có chính sách và ngân sách hỗ trợ từ Chính phủ.

“Nhưng phải định nghĩa được danh mục, lĩnh vực, ngành nghề đáp ứng tiêu chí xanh, tiêu chí nào không đáp ứng xanh. Chính phủ trong kế hoạch 5 năm tới (2026-2030), hướng tới kinh tế xanh làm tiêu chí triển khai chính sách”, TS. Trần Du Lịch kiến nghị và cho rằng, trước hết, giao ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh, nhưng NHNN vẫn quản lý tín dụng theo hạn mức, nên chăng mở rộng hạn mức về tín dụng xanh.

Nếu ngân hàng làm tín dụng xanh thì có thể không chịu trần hạn mức tín dụng cho mảng xanh. Như vậy, dư địa để ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh khá lớn. Đồng thời, TP.HCM có thể áp dụng một số cơ chế hỗ trợ lãi suất như từng làm cho đổi mới công nghệ để tạo sức bật cho tín dụng xanh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, ngoài Quyết định 403 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 03 và Quyết định 1552… và nhiều văn bản hướng dẫn để triển khai đề án phát triển môi trường xanh.

Thực tế, năm 2018-2019, NHNN đã phối hợp với IFC để ban hành sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro do môi trường xã hội đối với 15 ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại đã triển khai việc này, và đây là cẩm nang giúp cho NHTM nhận diện, đánh giá được và chủ động xử lý rủi ro trong quá trình triển khai các chương trình xanh.

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 31/03/2024, có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng với gần 637 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ 71.000 tỷ đồng.

Sau 9 năm, dư nợ cho chương trình xanh tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%. Nếu so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế, tín dụng xanh đã tăng gấp 7 lần.

Trong 637.000 tỷ đồng tín dụng xanh, được cân đối cho các lĩnh vực: Tín dụng trung dài hạn chiếm 77% và chia ra nông nghiệp xanh khoảng 32%, năng lượng tái tạo 47%, nước sạch cho đô thị nông thôn khoảng 11% và phần còn lại dành cho lâm nghiệp.

Ông Minh đánh giá cơ cấu tín dụng này hợp lý trong bối cảnh Việt Nam nói chung và riêng TP.HCM. Với xu hướng hiện tại, ông Minh tin rằng trong 3 năm tiếp theo, tỷ trọng tín dụng xanh sẽ có thể tăng lên từ 4.8-5% trong tổng tín dụng toàn nền kinh tế.

Ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc chiến lược OCB cho biết, các khách hàng doanh nghiệp cũng chia sẻ mong muốn hướng đến phát triển bền vững dựa trên các tiêu chuẩn ESG, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu từ đối tác, đặc biệt là đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường nước ngoài như Mỹ, châu Âu đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, đảm bảo người lao động, cân bằng giới…

Cụ thể, OCB vừa ký thỏa thuận với IFC về tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho vay các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về tín dụng xanh với mức lãi suất thấp nhất, tập trung vào ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ngành nông nghiệp bền vững...

OCB ngân hàng sẽ cung cấp các sản phẩm chuyên biệt cho dự án xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, các nền tảng thanh toán xanh. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh sản phẩm để ít nhất sản phẩm của OCB sẽ hỗ trợ việc hạn chế tác hại môi trường.

Tương tự, trong năm 2024, ACB cũng triển khai gói tín dụng xanh, xã hội 2.000 tỷ đồng, ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh thuộc danh mục xanh hoặc thuộc danh mục xã hội như năng lượng tái tạo (điện mặt trời); sử dụng năng lượng hiệu quả; công trình xanh; giao thông vận tải sạch... với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, được miễn giảm phí trả nợ trước hạn...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục