Nhóm ngành bán lẻ và xuất khẩu hồi phục mạnh

(ĐTCK) Sức bật từ nội lực của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi đã tạo ra cú huých tăng trưởng đối với kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ và xuất khẩu.
Đà tăng trưởng của nhóm bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp diễn

Bán lẻ bứt phá

Theo thống kê của FiinTrade, lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng ổn định ở mức 21,9%, được dẫn dắt bởi nhóm phi tài chính với mức tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm bán lẻ có lợi nhuận sau thuế quý III/2024 tăng 233% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ mức nền thấp của cùng kỳ và xu hướng phục hồi về cầu tiêu dùng.

Lũy kế đến cuối quý III/2024, có 82% số doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024, đóng góp chủ yếu từ nhóm phi tài chính. Riêng khối bán lẻ, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay tăng 490% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 9% kế hoạch năm.

Sự bứt phá của ngành bán lẻ thời gian qua là kết quả của từng doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc, tạo sức bật và nắm bắt cơ hội khi kinh tế phục hồi.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) cho biết, kết thúc tháng 9/2024, doanh nghiệp đạt tổng doanh thu hợp nhất 99.767 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế 2.881 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ năm 2023 (77,5 tỷ đồng). Lợi nhuận ròng tăng trưởng đột biến nhờ Công ty tối ưu chi phí theo chiến lược tái cấu trúc từ đầu năm.

Bán lẻ và xuất khẩu là hai nhóm ngành tăng trưởng vượt trội trong quý III/2024, nhiều doanh nghiệp đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Dù vận hành chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh với số lượng cửa hàng ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng MWG vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng 7% nhờ danh mục hàng hóa đa dạng và các chương trình khuyến mại, giải pháp hỗ trợ tài chính hấp dẫn; lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể nhờ tối ưu chi phí vận hành.

Trong đó, chuỗi Bách hóa Xanh có doanh thu 9 tháng tăng trưởng gần 36%, chủ yếu đến từ nỗ lực tăng doanh thu cửa hàng cũ. Chuỗi tập trung đẩy mạnh sản lượng bán thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh, cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá bán phù hợp, đồng thời tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, chi phí kho vận để cải thiện lợi nhuận.

Một doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ là Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) thực hiện vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 sau 9 tháng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, FPT Retail đạt doanh thu hợp nhất 28.657 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế 358 tỷ đồng, hồi phục mạnh mẽ so với mức lỗ 197 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm 2024 đạt doanh thu 37.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành được 77% mục tiêu doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận.

Động lực tăng trưởng chính của FRT Retail là mảng bán lẻ dược phẩm. Chuỗi FPT Long Châu đã mang về 18.006 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 62% tổng doanh thu.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN), với hệ sinh thái bán lẻ lớn, Công ty ghi nhận lãi 1.308 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt 30,8% kế hoạch năm. Ban lãnh đạo Masan ước tính, với những phát kiến chiến lược xuyên suốt mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, kết thúc năm 2024, lợi nhuận có thể đạt 2.000 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 16.219 tỷ đồng và 302 tỷ đồng, tăng 16% và 11% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, giai đoạn 2024 - 2025, Digiworld có thể ghi nhận doanh thu tăng trưởng lần lượt 14,5% và 8,4%, đạt 21.553 tỷ đồng và 23.365 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 24% và 26,1%, đạt 450 tỷ đồng và 567 tỷ đồng.

Đà tăng trưởng của nhóm bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp diễn khi nền kinh tế có triển vọng sáng hơn.

Dệt may, thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu

Ông Trịnh Hà, chuyên gia độc lập nhận xét, nhóm bán lẻ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong thời gian qua nhờ sức mua cải thiện trong bối cảnh kinh tế phục hồi tích cực. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành này đã có bước đi đúng trong tái cấu trúc cửa hàng, ngành hàng để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhóm xuất khẩu cũng mang lại kết quả kinh doanh khả quan như dệt may, thủy sản, gỗ.

Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), doanh thu lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 134,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 85% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10,1 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 50% kế hoạch năm (6,6 triệu USD).

Doanh thu dệt may của TCM đến từ 3 mảng chính gồm sản phẩm may, vải và sợi. Trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu, thị trường châu Á chiếm 62,9%, châu Mỹ chiếm 31,7%.

TCM cho hay, doanh nghiệp đã nhận hơn 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024 và đang nhận đơn hàng cho quý I/2025. Với tình hình đơn hàng khả quan, Công ty tự tin có thể hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2024.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG) Nguyễn Văn Thời chia sẻ, doanh nghiệp theo đuổi kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. TNG đang có nhiều yếu tố thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, với bức tranh tích cực ở thị trường châu Mỹ, châu Âu. Hiện tại, Công ty cơ bản đã lấp đầy đơn hàng đến hết quý I/2025 và đang tiếp tục đàm phán để chốt kế hoạch sản xuất cho nửa đầu năm 2025.

Công ty Chứng khoán BIDV dự báo, năm 2024, TNG có thể đạt 7.928 tỷ đồng doanh thu và 324 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11% và 43% so với năm 2023. Sang năm 2025, TNG có thể ghi nhận 9.365 tỷ đồng doanh thu và 412 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 27% so với năm 2024.

Hiệp hội Dệt may cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Năm 2025, dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu cao hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD.

Đối với ngành thủy sản, các doanh nghiệp như VHC, MPC, ANV, ASM, IDI, FMC, ABT… đã và đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, thị trường lớn là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản Việt Nam khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có quan điểm bảo hộ doanh nghiệp nội địa bằng chính sách thuế quan, dự kiến áp thuế nhập khẩu 60% lên hàng hóa Trung Quốc và 10 - 20% lên hàng hóa từ các nước khác.

Với riêng ngành cá tra, Trung Quốc, Mỹ và EU đang là ba thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ ghi nhận sự cải thiện cả về sản lượng và giá bán. Cụ thể, trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 201 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 63%, với giá bán tăng 11%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra toàn ngành đạt gần 1,67 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục