Công viên Logistics giải cứu bài toán "giải cứu nông sản"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Công viên Logistics Viettel sẽ giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Công viên Logistics giải cứu bài toán "giải cứu nông sản"

Tài xế Nguyễn Quý Đ. (35 tuổi) đến giờ vẫn chưa thể quên được khung cảnh diễn ra vào năm 2015, khi hàng ngàn chiếc xe chở dưa hấu của Việt Nam nằm ùn tắc chầu chực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), kéo dài hàng km.

‘Ác mộng’ giải cứu

Khi mỗi ngày có 1.200 – 1.500 xe dưa đổ về đây mà năng lực thông quan chỉ khoảng 300 xe/ngày, thời gian bốc hàng, phân loại, bao gói… đưa qua Trung Quốc mất đến 7 tiếng đồng hồ thì hệ quả tất yếu của việc ùn tắc ấy là lượng dưa hỏng phải vứt bỏ hoặc vội vàng đưa về nội địa “giải cứu”.

Vợ chồng anh chị Hà – Cường làm nghề thương lái, năm đó cũng “cháy” 90% số vốn đổ vào cho các xe dưa hấu. Chỉ một số ít được thu hồi lại nhờ may mắn có cư dân hô hào ủng hộ.

Những năm sau đó, dù cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lớn và các thương lái đã nỗ lực phối hợp với bà con nông dân bằng nhiều giải pháp nhưng tình trạng nói trên vẫn chưa thể khắc phục tại các cửa khẩu Đồng Đăng, Hữu Nghị, Tân Thanh… của Lạng Sơn – nơi cửa ngõ xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc. Các cuộc giải cứu không chỉ diễn ra với dưa hấu, mà còn với thanh long, khoai lang, sầu riêng…, những nông sản mà Việt Nam có lợi thế cả về sản lượng và chất lượng.

Chính vì thế, khi anh Đ. hay tin về Công viên Logistics Viettel mới khai trương tại Lạng Sơn, người tài xế mừng rỡ nghĩ đến tương lai thoát khỏi cơn “ác mộng” xếp hàng nhiều ngày tại cửa khẩu rồi quay xe chở nông sản về nhờ giải cứu.

“Nếu không rơi vào cảnh đó nữa, chắc chắn các anh thương lái cũng giảm thiệt hại và có lời tốt hơn, còn thu nhập của tôi sẽ tăng lên vì vận chuyển được nhiều chuyến hơn”, anh Đ. tính nhanh.

Theo các chuyên gia, logistics – bao gồm công nghệ bảo quản sau thu hoạch - đóng vai trò tháo nút thắt cho bài toán “giải cứu” nông sản của Việt Nam. Khi thời gian vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến tay người tiêu dùng được rút ngắn, sản phẩm có hạ tầng để bảo quản trong thời gian dài, doanh nghiệp mới có thể chủ động trong việc tiêu thụ và đảm bảo giá trị hàng hóa. Nếu không, tình trạng mất 90% vốn như vợ chồng Hà – Cường sẽ luôn là chuyện bình thường.

Giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ

Công viên Logistics Viettel nằm tại khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng với diện tích 143,7 ha và tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng được Viettel Post khai trương vào sáng 11/12/2024. Đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới.

Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hoá và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc. Hàng loạt công nghệ tiên tiến nhất được ứng dụng ở đây.

Tại công viên này, xe Trung Quốc có thể sang tận nơi để giao nhận hàng. Từ công viên tới cửa khẩu, mỗi quãng đường 20m sẽ được lắp 1 camera thường, mỗi 100m có 1 camera AI để đảm bảo giám sát an ninh an toàn. Đáng chú ý, công nghệ sang tải ở đây đều tự động, hệ thống kho dùng robot hoạt động trong bóng tối và kho 3D giúp tiết kiệm điện năng.

Nhờ quy trình vận hành được tối ưu hóa, Viettel Post đặt mục tiêu giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.

Không những vậy, Công viên Logistics Viettel còn có các dịch vụ gia tăng như trung tâm giao dịch nông sản, livestream thương mại điện tử, khu trưng bày triển lãm, và văn phòng dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp.

“Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN. 60-70% trái cây Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc đi qua Việt Nam. 80% hàng hóa Campuchia nhập khẩu từ Trung Quốc cũng qua Việt Nam. Trong đó gần 50% hàng hóa đi qua đường Lạng Sơn. Vì vậy, khi xây dựng Công viên logistics, chúng tôi tập trung nguồn lực với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới tại Lạng Sơn hơn nữa”, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc của Viettel Post nhấn mạnh.

Theo ông Thành, dự án này sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc và hư hỏng hàng hoá tại cửa khẩu, giúp làm tăng giá trị hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Bên cạnh đó, công viên Logistics Viettel hội tụ mọi điều kiện cần thiết để đưa Lạng Sơn trở thành một trung tâm logistics, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến để hợp tác giao thương.

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.500 xe thông quan qua các cửa khẩu tại Đồng Đăng – Lạng Sơn. Với tốc độ tăng trưởng tự nhiên khoảng 15% mỗi năm, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 3.500 xe thông quan mỗi ngày.

Với sự ra đời của Công viên logistics và sắp tới đây là cửa khẩu thông minh, con số tăng trưởng sẽ cao hơn và dự kiến lượng xe thông quan mỗi ngày sẽ đạt mốc 6.000 xe.

Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn là bước đầu để Tập đoàn Viettel hiện thực kế hoạch xây dựng hạ tầng logistics quốc gia và xuyên biên giới, nhằm kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất nhập khẩu quốc tế. Khi tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thương mại toàn cầu.

“Viettel luôn tin rằng, công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là chìa khóa mở cửa những giấc mơ lớn”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.

Trần Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục