Hành trình đầu tư “gập ghềnh” vào Vinasun (VNS) của Tael Two Partners Ltd

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian chật vật thoái vốn khỏi Vinasun, Tael Two Partners Ltd đã chính thức rời vị trí cổ đông lớn tại đây, trong khi Vinasun đang cố gắng giành thị phần trong xu hướng "điện hoá" ngành taxi.
Hành trình đầu tư “gập ghềnh” vào Vinasun (VNS) của Tael Two Partners Ltd

Cụ thể, Tael Two Partners Ltd vừa thông báo đã bán ra 2 triệu cổ phiếu VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun, qua đó giảm sở hữu tại VNS xuống còn 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,42% và không còn là cổ đông lớn tại VNS. Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại này là 23/12/2024.

Trước đó, Tael Two Partners Ltd thông báo muốn bán ra toàn bộ 5 triệu cổ phiếu VNS từ ngày 19/12/2024 đến ngày 17/01/2025 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư và giảm tỷ lệ sở hữu Vinasun về 0%.

Tael Two Partners Ltd bắt đầu rót vốn vào Vinasun vào năm 2013 sau khi mua 3 triệu cổ phiếu VNS trong đợt phát hành riêng lẻ với giá 45.000 đồng/cổ phiếu và đã liên tục mua thêm, gia tăng sở hữu tại VNS lên 18,3%. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, quỹ ngoại này liên tiếp đăng ký bán ra cổ phiếu VNS, thậm chí chấp nhận từ bỏ quyền nhận cổ tức, bán lỗ cổ phiếu nhằm rút vốn tại VNS.

Trong hành trình Tael Two Partners Ltd rót vốn đầu tư vào VNS đã diễn ra không ít sự kiện gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Vinasun.

Đầu tiên, vào năm 2014, hai ứng dụng gọi xe công nghệ là Uber, Grab chính thức vào Việt Nam, rất nhanh sau đó đã làm thay đổi thói quen người dùng. Vinasun cùng hàng loạt hãng taxi truyền thống sau đó phải đối diện với bài toán cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần. Sự gia nhập mạnh mẽ của taxi công nghệ đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của Vinasun, bằng chứng là từ năm 2016 – 2019, lợi nhuận của VNS sụt giảm rõ rệt.

Nguồn: Wichart.vn
Nguồn: Wichart.vn

Đến giai đoạn 2020 – 2021, đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu di chuyển của người dân giảm mạnh, bởi các biện pháp phòng chống dịch và chỉ thị giãn cách xã hội được áp dụng chặt chẽ. Trong 2 năm này, Vinasun báo lỗ nặng, lần lượt là 210,6 tỷ đồng và 277 tỷ đồng.

Sau khi bước khỏi giai đoạn “sóng gió” nhất, Vinasun tiếp tục bước vào cuộc đua mới – “điện hoá” ngành taxi. Đây cũng là giai đoạn Tael Two Partners Ltd đẩy mạnh hoạt động thoái vốn VNS.

Thời gian qua, thị trường tiếp nhận hàng loạt thông tin về các cam kết, hợp tác đầu tư được công bố, mà hầu hết là các thương hiệu taxi muốn chuyển đổi sang phát triển kinh doanh taxi điện từ nhà cung cấp Vinfast như: Tập đoàn 911, Taxi 123, An Taxi, Taxi Việt Đức..., và gần nhất là Mai Linh sau thời gian đánh giá cũng không đứng ngoài cuộc chơi này.

Trong khi đó, Vinasun lại thực hiện chiến lược khác khi đầu tư đội xe hybrid (xe lai xăng - điện). Vào tháng 6/2024, Vinasun nhận bàn giao 806 xe hybrid từ Toyota Đông Sài Gòn, đồng thời tuyển dụng lượng lớn lái xe mới. Trong tương lai, ban lãnh đạo Vinasun cho biết nếu điều kiện thuận lợi có thể tăng lên đến 1.000 xe.

Chiến lược này được ban lãnh đạo đánh giá là phù hợp với đặc điểm kinh doanh của Vinasun và kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kinh doanh của Vinasun chưa phản ánh rõ sự bứt phá.

Trong quý III/2024, Vinasun đạt 246 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 21 tỷ đồng, giảm 36%.

Trong văn bản giải trình, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, bên cạnh việc doanh thu giảm, Công ty vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho tài xế và đối tác, dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm. Thực tế, chính sách này đã được Vinasun áp dụng trong thời gian khá dài, nên hiệu quả hoạt động cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Tính chung 9 tháng 2024, doanh thu thuần của Vinasun đạt 778 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2024 thông qua, Vinasun đã thực hiện được hơn 74% kế hoạch lãi sau thuế năm.

Trái với diễn biến quỹ ngoại liên tiếp thoái vốn, Vinasun vừa chào đón một cổ đông lớn khác, là nhà đầu tư cá nhân Lê Hải Đoàn, sở hữu 4,08 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng tỷ lệ 6,01%. Ông Đoàn hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HIPT (mã HIG), doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ về an toàn thông tin, hạ tầng công nghệ, phát triển phần mềm...

HIPT cũng đang sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu VNS, tỷ lệ 3,4%. Như vậy, nhóm cổ đông gồm ông Đoàn và HIPT đang nắm xấp xỉ 9,4% vốn tại Vinasun.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/12, cổ phiếu VNS đứng tại mức giá 10.200 đồng/CP.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục