Bệ phóng cho tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc xây dựng và duy trì lực lượng lao động khỏe mạnh, hạnh phúc, có năng lực là yếu tố then chốt để doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng trong môi trường đầy thách thức hiện nay.
Phát triển con người bền vững là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Phát triển con người bền vững là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Tại buổi cafe doanh nhân trẻ Nam Định tháng 12/2024, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, văn hóa doanh nghiệp là một trong những động lực giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng trưởng trở lại khi các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu hồi phục.

Hiện May Sông Hồng có hơn 12.000 người lao động. Ông Thịnh cho hay: “Chăm sóc họ không phải là ban ơn cho họ, mà phải trên tâm thế chính họ đang làm giàu cho chúng ta, cho đất nước. Người lao động phải là đối tượng được quan tâm nhiều nhất, từ môi trường làm việc, từ thu nhập, từ phúc lợi... Đối tượng này nhiều khi bị yếu thế nhất, đôi khi chịu sự bắt nạt nhiều nhất. Ở ngoài hàng rào Công ty có thể có xô bồ, hỗn độn, nhưng trong hàng rào Công ty, May Sông Hồng tuyệt đối không để điều đó xảy ra. Tất cả đều được tôn trọng và đối xử một cách bình đẳng nhất. Văn hóa doanh nghiệp phải được thể hiện từ những lãnh đạo cao nhất”.

Để có được văn hóa doanh nghiệp như vậy, không thể trong ngày một, ngày hai, mà phải là một quá trình.

“Người lao động trong ngành may mặc có xuất phát điểm đầu tiên thường là nông dân, rồi trưởng thành dần lên đến cán bộ tổ, phòng... Nhiều người có suy nghĩ lên chức là oai, thậm chí còn có tật này, tật nọ, gây ra bất công, ngang trái ở môi trường làm việc. Do đó, doanh nghiệp cần sự giám sát và dày công xây dựng văn hóa doanh nghiệp công bằng, văn minh”, ông Thịnh nói.

Một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp là sự nêu gương, tâm ý của lãnh đạo. Giới doanh nghiệp chân chính, theo ông Thịnh, là lúc nào cũng đau đáu với cái chung, với sự phát triển của đất nước.

“Phía sau chúng tôi là mười mấy nghìn lao động, mười mấy nghìn cuộc đời, mười mấy nghìn gia đình. Người ta tin mình và cống hiến cho doanh nghiệp một cách trong sáng. Khi có những người như thế, anh không được làm gì đen tối sau lưng người ta”, vị chủ tịch May Sông Hồng chia sẻ với các doanh nhân trẻ.

Triết lý kinh doanh và vận hành như vậy đã giúp May Sông Hồng trở thành doanh nghiệp dệt may hàng đầu tại Việt Nam, thuộc nhóm doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất trong ngành. Các bên liên quan như người lao động, cổ đông đều hái “quả ngọt” bằng các thông tin chia cổ tức, lương thưởng dịp Tết...

Năm 2024, cổ đông của May Sông Hồng đã được tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%. Người lao động được Công ty chăm lo cái Tết sắp tới với dự kiến mức thưởng ít nhất là 2 tháng thu nhập, tiền xếp loại ABC khoảng 4,2 triệu đồng, các cá nhân, tập thể tiêu biểu được thưởng cuối năm tùy theo thành tích là quà hiện vật...

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 ước đạt 39,84 tỷ USD, tăng 10,13% so cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng 2 con số này có sự đóng góp không nhỏ của những người lao động ngành dệt may.

Nhìn nhận về những doanh nghiệp quy mô lao động lớn, thuộc các ngành cạnh tranh, đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 có nhiều khó khăn, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam cho rằng, đó đều là những doanh nghiệp có chiến lược phát triển con người bền vững. Vượt ra ngoài các số liệu đo lường sự gắn kết của nhân viên truyền thống, phát triển con người bền vững nhấn mạnh một cách tiếp cận toàn diện đối với hạnh phúc của người lao động, tập trung vào sự hài lòng trong công việc và năng suất. Ở nấc cao hơn, phát triển con người bền vững không giới hạn ở người lao động của doanh nghiệp, mà còn mở rộng đến tất cả các cá nhân kết nối với tổ chức như nhân viên trong tương lai, khách hàng và cộng đồng…

Các tổ chức ưu tiên sức khỏe và sự phát triển của con người sẽ tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực. Khi cảm thấy được coi trọng, hỗ trợ và trao quyền, các cá nhân trong tổ chức tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của tổ chức, nâng cao năng suất và năng lực đổi mới, từ đó thúc đẩy thành công của tổ chức, tạo ra một chu kỳ bền vững về tăng trưởng và hạnh phúc.

Nói cách khác, bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực một cách bền vững, các tổ chức không chỉ hoàn thành trách nhiệm đạo đức, mà còn đảm bảo khả năng tồn tại và thành công lâu dài của họ.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục