Hai dấu mốc quan trọng và nhiệm vụ tìm hàng
Ngày 28/11/1996 đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên của TTCK Việt Nam - Chính phủ ban hành Nghị định 75/1996/NĐ-CP về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đây là kết quả của sự nghiên cứu suốt từ năm 1992 đến năm 1996 với biết bao đề án, dự thảo khuôn khổ pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và nhiều viện nghiên cứu.
Tháng 4/1997, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng thứ hai của TTCK. Bên cạnh việc hoàn tất khuôn khổ pháp lý và mô hình thị trường, các vụ chức năng của Ủy ban bắt tay vào xây dựng thị trường theo từng lĩnh vực được phân công.
Hồi đó, được phân công làm Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, tôi và các đồng nghiệp phải chịu trách nhiệm chính trong khâu tạo hàng cho thị trường, mà trọng tâm là vận động công ty cổ phần hóa ra niêm yết. Nói thì đơn giản, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế thời kỳ đó còn nhiều yếu tố bao cấp và thiếu công khai, việc vận động công ty cổ phần hóa ra niêm yết chẳng khác gì đi vận động doanh nghiệp “tự giác nộp thuế”.
Chẳng thế mà, dù đã đổ biết bao công sức, làm đủ mọi “công tác tư tưởng”, tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, làm việc trực tiếp với hầu hết các bộ, ngành, địa phương và hàng trăm doanh nghiệp, nhưng suốt từ năm 1999 đến năm 2005, vỏn vẹn chỉ có 44 công ty niêm yết cổ phiếu ở cả hai Trung tâm Giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, đối với những người trực tiếp làm công tác tạo hàng cho thị trường như chúng tôi, khi nhìn lại kết quả này thì thấy đã là may mắn và đáng tự hào. Vì có được 44 doanh nghiệp sẵn sàng công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như tình hình tài chính trong thời kỳ còn “tranh tối, tranh sáng” có thể coi là một kỳ tích và có rất nhiều câu chuyện đáng kể lại trong quá trình làm nên kỳ tích này.
Năm 1999, để chuẩn bị hàng hóa cho thị trường, chúng tôi đến Công ty may T “tiếp thị”. Sau khi nghe thuyết trình một hồi về những lợi ích, trách nhiệm và thách thức khi tham gia TTCK, vị giám đốc doanh nghiệp rất thật lòng: “Nghe chị nói thì TTCK đúng là rất hấp dẫn, nhưng khi cả nền kinh tế đang tù mù mà chị bảo tôi ra niêm yết thì phải công khai, minh bạch, khác nào bảo tôi nhảy ra ánh sáng để thiên hạ soi mói, còn các doanh nghiệp khác trong bóng tối làm gì cũng không ai biết. Kể cả ưu đãi thuế cũng không hấp dẫn bằng sự tù mù”.
Kết quả là chuyến đi “tiếp thị” của chúng tôi ra về “công cốc”. Ngẫm lại cũng chẳng trách được vị lãnh đạo doanh nghiệp nọ, vì ông đã rất thực lòng và “thực dụng”.
Câu chuyện đáng kể lại khác là trong năm 2000, chúng tôi đến Công ty B, một doanh nghiệp làm ăn khá hiệu quả vào thời điểm ấy, để thuyết phục họ ra niêm yết. Đến trụ sở của doanh nghiệp, chúng tôi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ ở phòng khách, ngõ hầu được làm việc với giám đốc theo như đã hẹn, nhưng cuối cùng là được làm việc với kế toán trưởng vì giám đốc bận làm việc với cán bộ thuế. Sau một thôi một hồi thuyết trình và trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến TTCK, cuối cùng, chị kế toán trưởng Công ty B chỉ hứa “sẽ cân nhắc” về việc niêm yết cổ phiếu.
Câu trả lời “sẽ cân nhắc”, “sẽ nghiên cứu”, “có gì sẽ điện thoại lại”…, chúng tôi thường xuyên nhận được mỗi khi đi tư vấn, thuyết phục, vận động doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu, nên việc chị kế toán trưởng Công ty B hứa “sẽ nghiên cứu” không gây ấn tượng gì, nhưng điều khiến chúng tôi thực sự "ấn tượng" là thái độ hoài nghi của chị kế toán trưởng. Đó là trong khi nghe tôi trả lời, thuyết trình, chị vẫn thản nhiên gác chân lên ghế, mồm liên tục nhai kẹo cao su và nhìn chúng tôi với con mắt đầy nghi hoặc, như kiểu nghe đại lý bán hàng đa cấp thuyết trình mua sản phẩm và tham gia mạng lưới “làm giàu không khó”.
Những tháng ngày lận đận nhất tìm hàng cho TTCK cũng qua đi khi năm 2001, giá cổ phiếu niêm yết tăng vù vù đã thu hút sự quan tâm của công chúng đối với cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Trong bối cảnh đó, thay vì phải đi liên hệ, chúng tôi được mời đến một công ty xây dựng ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để thuyết trình, giải thích lợi ích cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công ty niêm yết.
Công ty xây dựng này khi đó chuẩn bị cổ phần hóa, lượng đăng ký mua lớn hơn lượng cổ phần được phép bán ra gần 3 lần. Đáng ra, lãnh đạo công ty phải rất mừng, nhưng ngược lại, vị giám đốc lại ở trong thế vô cùng lúng túng vì không biết phân phối cổ phiếu như thế nào để khỏi bị kỷ luật như trường hợp một công ty khác cùng tỉnh do phân phối cổ phiếu cho những đối tượng “ưu tiên”.
Tôi đề nghị được giúp công ty làm phương án thí điểm đấu giá cổ phần công khai, minh bạch. Đang chăm chú lắng nghe phương án đấu giá cổ phần thì ông giám đốc xin lỗi ra ngoài một lúc, sau đó trở vào và nói rằng, một cán bộ có thẩm quyền trong việc phê duyệt phương án cổ phần hóa ở Trung ương đang ngồi ở phòng bên và vị cán bộ đó không đồng ý với phương án đấu giá cổ phần.
Giờ ngồi nghĩ lại, thấy tiếc rằng ngày đó, giá được các“vị cán bộ ở Trung ương” hiểu và đồng tình, công ty xây dựng ở Biên Hòa nêu trên nhiều khả năng sẽ thực hiện thí điểm phương án đấu giá cổ phần, giúp chúng tôi sớm có cơ sở, có thực tế để trình Chính phủ nhân rộng phương án này, tiến trình cổ phần hóa có lẽ sẽ không quá “lẹt đẹt”.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 2003, TTCK ảm đạm, khiến công tác tạo hàng cho thị trường rơi vào khó khăn như thời kỳ đầu. Đơn cử, chúng tôi đến một tổng công ty nhà nước lớn thuyết trình, vận động về việc cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu.
Sau khi nghe chúng tôi thuyết trình và trả lời mọi câu hỏi liên quan đến TTCK, vị chủ tịch HĐQT thủng thẳng: “Tôi chẳng thấy TTCK của bà có ích lợi gì. Doanh nghiệp tôi cần vốn thì có ngân sách cấp, thiếu tiền thì có Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho vay lãi suất thấp, còn đâu thì vay ngân hàng chẳng cần thế chấp. Tội gì mà phải ra TTCK để rồi chúng tôi phải công khai, minh bạch cho phiền phức”.
“Anh nói quá đúng. Tôi mà là lãnh đạo doanh nghiệp thì tôi cũng tận dụng các nguồn vốn dễ dãi sẵn có, chứ tội gì phải vất vả. Cũng chính vì vậy mà TTCK không phát triển được. Nhưng nếu còn duy trì cơ chế này thì chúng ta sẽ kéo nhau thụt lùi, chứ đừng nói gì đến hội nhập quốc tế”, tôi “tán thành” nhưng nói thêm rằng: “Tôi tin cơ chế này không thể tồn tại được lâu nữa”.
Thực ra, suy nghĩ và hành động của tuyệt đại bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và cả lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương về hoạt động sản xuất - kinh doanh, về tình hình tài chính doanh nghiệp ngày đó đâu có sai. Vấn đề là cơ chế ngày đó đã tạo ra sức ỳ, sự ỷ lại của cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước, lẫn cơ quan chủ quản.
Cơ chế, chính sách đổi mới và TTCK chuyển mình
Đáng mừng là sức ỳ, sự ỷ lại, trông chờ nguồn vốn từ ngân sách, ngân hàng không còn “đất sống”, khi hàng loạt cơ chế đã được thay đổi.
Cụ thể, Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 có chủ trương kiên quyết đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ bao cấp về vốn được ban hành.
Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 187/2004/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thay đổi cơ bản cách thức cổ phần hóa, chuyển từ bán khép kín sang đấu giá công khai.
Không lâu sau, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 528/QĐ-TTg, công khai danh tính các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK.
Cơ chế chính sách mới được ban hành, cộng thêm sự kiên trì và nỗ lực bền bỉ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, nên TTCK thực sự chuyển mình: số lượng công ty niêm yết tăng vọt và bắt đầu có doanh nghiệp đăng ký phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn trên TTCK.
Đặc biệt, Luật Chứng khoán đầu tiên năm 2006, với quy định bắt buộc tất cả công ty đại chúng phải thực hiện công khai, minh bạch và cơ bản thống nhất quản lý đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp.
Đây là động lực chủ yếu đưa đến sự phát triển vượt bậc của TTCK trong những năm qua. Ngay cả trong thời gian khủng hoảng kinh tế năm 2008, số lượng công ty lên niêm yết vẫn tăng đều đặn hàng tháng, dù không cần vận động nhiều và không còn được ưu đãi thuế như trước.
“Qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai”. TTCK sau thời gian suy giảm, từ năm 2005 bắt đầu phục hồi. Giai đoạn cuối năm 2006 đến đầu năm 2008, thị trường có xu hướng phát triển “nóng”. Giai đoạn này, TTCK được tranh luận sôi nổi từ công sở đến quán cóc vỉa hè, số lượng doanh nghiệp đăng ký đấu giá cổ phần, niêm yết cổ phiếu dài dằng dặc, giá cổ phiếu liên tiếp tăng, đẩy chỉ số VN-Index đạt hơn 1.170 điểm vào tháng 2/2008.
Giá cổ phiếu tăng quá nhanh nên TTCK sau đó quay ngoắt 180 độ, giảm liên tục. Đầu tháng 3/2008, VN-Index rơi xuống dưới 700 điểm, thị trường trở nên hoảng loạn. Ngày 5/3/2008, hàng trăm nhà đầu tư kéo đến Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đòi gặp lãnh đạo Ủy ban để chất vấn. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi trực tiếp gặp các nhà đầu tư.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ thời khắc đó đến bây giờ, tôi vẫn thực sự không hiểu tại sao mình lại có thể bình tĩnh xử lý tình huống quá nhạy cảm này, vì không khí lúc đó vô cùng ồn ào và căng thẳng cao độ. Nhiều người la ó, một số người nhảy chồm chồm đầy bức xúc. Người thì chất vấn: “Tại sao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép doanh nghiệp phát hành nhiều cổ phiếu thế, khiến cổ phiếu mất giá, trở thành giấy lộn?”. Người thì kêu: “Các công ty chứng khoán tranh mua với nhà đầu tư khi thị trường lên, còn bây giờ thị trường xuống lại tranh bán, khiến chúng tôi không thể bán được để cắt lỗ”. Người khác lại trách: “Thị trường còn đang bấp bênh thế này mà đã đòi thu thuế, bây giờ lỗ trắng ra thì có bù cho chúng tôi không?”…
Sau khi nghe tôi giải thích và hứa sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những công ty vi phạm quy định về ưu tiên lệnh của nhà đầu tư; đề nghị cơ quan có thẩm quyền miễn thuế đối với việc chuyển nhượng chứng khoán, miễn thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán..., tình hình đã phần nào dịu đi. Kết thúc buổi gặp gỡ “không mong đợi này”, tôi đã mạo muội khuyên nhà đầu tư rằng, nay thị trường điều chỉnh, cần bình tĩnh, tránh tranh đua bán tháo, làm thị trường sụt giảm mạnh thì tự mình đánh mất tiền.
Hoạt động của TTCK bây giờ đã hết cảnh phải đi mời chào doanh nghiệp niêm yết, cũng không còn cảnh xếp hàng đăng ký bán đấu giá cổ phần và niêm yết. Cảnh tranh mua bằng mọi giá, tranh bán ồ ạt để cắt lỗ đã trở thành quá khứ. Giai đoạn đua nhau thành lập công ty chứng khoán cũng đã là dĩ vãng.
Thị trường bây giờ chưa phát triển như mong muốn, nhưng đã thực sự trưởng thành: doanh nghiệp trưởng thành; công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trưởng thành; nhà đầu tư tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm khi tham gia thị trường. Là người gắn bó với TTCK từ buổi sơ khai, bản thân tôi cũng đã học được rất nhiều và nghiệm ra rằng, số phận mình phải theo nghiệp chứng khoán thì vui, buồn cùng thị trường là lẽ đương nhiên.