Doanh nghiệp của ông đang triển khai 1 dự án ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) và gối đầu một dự án nữa ở tỉnh Hòa Bình. Nhưng đó là nói về trước dịch, còn mấy tháng qua, việc không chạy, dự án không tiến triển, mà tiền thì chẳng thấy tiêu ít đi bao nhiêu.
“Khó đến mức chỉ mươi triệu chi phí mua đồ chống dịch cũng phải căn ke”, ông này nói!
Và đó không phải câu chuyện cá biệt. Covid-19, như mà cách mà nhiều người chia sẻ là một "cơn ác mộng" bất ngờ không ai có thể tránh nổi. Dù Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này, nhưng những di chứng mà nó để lại khiến không ít doanh nghiệp phải đau đầu tìm cách để sống sót, chứ chưa nghĩ tới việc có thể tiếp tục tăng trưởng thế nào, hài lòng cổ đông ra làm sao.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Đầu tư Bất động sản cho thấy, thời gian vừa qua, mặc dù có không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục báo lãi, thậm chí có doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu của năm 2020 tới 70 - 80% doanh thu và lợi nhuận nhưng vẫn tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch kinh doanh của mình.
Bởi lẽ, việc ghi nhận doanh thu tăng trưởng chủ yếu là do kỳ hoạch toán doanh thu vào đúng dịp Covid-19 khi các dự án bàn giao hoặc đến tiến độ thu tiền, tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng thừa nhận những lo ngại về bối cảnh tương lai khi dịch bệnh vẫn chầu chực bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tiến độ triển khai đầu tư thực hiện các dự án mới không hề dễ dàng với những thay đổi chính sách gần đây liên quan đến quy định triển khai dự án mới.
Hồi cuối tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP với nhiều điểm mới, trong đó quy định: việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án.
Tuy vậy, đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, việc thực thi theo nghị định mới ở một số địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc. Chưa kể, một số dự án đang triển khai nhưng địa phương đã buộc dừng lại với lý do Nghị định 25 dù đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020, nhưng chưa có hướng dẫn rõ về điều kiện chuyển tiếp để thực hiện dự án tương tự như dự án nêu trên, nên phải tạm dừng để… chờ!
Ngoài vướng mắc về quỹ đất, khó khăn thanh khoản cũng đang đè nặng khi lộ trình giảm dần nguồn tín dụng địa ốc của Ngân hàng Nhà nước đang được các ngân hàng thương mại thực hiện… “rất nghiêm”.
Điều này có mặt tích cực là tạo áp lực buộc doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ TTCK.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc Tư vấn CTCK Mirae Asset, thực tế nhiều năm nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản khoảng 60 công ty hầu hết đã không còn tăng vốn bằng con đường phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Đa số các doanh nghiệp nhóm này phải tăng vốn bằng lợi nhuận để lại. Đây thực chất chỉ là kỹ thuật tài chính chứ không thu được dòng tiền thật sự cho doanh nghiệp. Hiện tại, có thể thấy, doanh nghiệp bất động sản rất khó hút vốn trên TTCK, trừ một vài doanh nghiệp thật sự chất lượng về mặt quỹ đất, quản trị hay tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Một trong những kênh huy động vốn phổ biến của doanh nghiệp địa ốc thời gian gần đây là phát hành trái phiếu. Dẫu vậy, nhiều khả năng theo định hướng chính sách, từ năm 2021, nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ không được tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Nếu điều này xảy ra sẽ khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn do sức mua của thị trường suy giảm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, khi đây là nhóm có nhu cầu gọi vốn qua kênh trái phiếu lớn nhất.
Vậy nên, dù trong phát ngôn chính thức, đại diện các doanh nghiệp địa ốc vẫn tỏ ra rất lạc quan về dài hạn bởi sức cầu bất động sản lớn hơn khả năng cung, nhưng trong những chia sẻ lúc trà dư tửu hậu thân tình, họ đều kêu rằng doanh nghiệp mình vẫn đang như người ốm dở.
Và sau cơn bạo bệnh, 6 tháng cuối năm này là thời gian “ăn trả bữa” để dần hồi phục trước khi có lực để thực sự bứt phá.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com