Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng sức cầu cao nửa cuối năm

(ĐTCK) Thị trường bất động sản đã trải qua gần hai quý đầy khó khăn và thử thách do đại dịch Covid-19 cũng như những ách tắc trong thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, nhiều ông lớn địa ốc giữ mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng vì tự tin vào sức cầu sớm hồi phục trong nửa cuối năm.
Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng sức cầu cao nửa cuối năm

Kế hoạch lớn

Hai năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã phải đối diện với nhiều thử thách, cùng với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khiến thị trường đã khó nay còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong các báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lạc quan khi đề ra kế hoạch tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Một trong những đại gia địa ốc đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lớn là Công ty cổ phần Vinhomes. Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt 97.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 87,9% và lợi nhuận sau thuế 31.000 tỷ đồng.

Dù thị trường quý I/2020 trầm lắng do dịch bệnh Covid-19, nhưng Vinhomes vẫn ghi nhận khoản lãi cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, lên tới hơn 10.100 tỷ đồng. Khoản lãi cao của Vinhomes là nhờ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại các dự án lớn gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Marina, đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận 7.509 tỷ đồng từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con.

Trong năm nay, kế hoạch kinh doanh của Vinhomes tiếp tục tập trung ở các dự án đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Trong đó, điểm đáng chú ý trong kế hoạch kinh doanh 2020 và những năm tới của Vinhomes là chuyển sang lĩnh vực phát triển phát triển bất động sản khu công nghiệp.

Bên cạnh “tham vọng” lớn của
Vinhomes, Tập đoàn Novaland cũng cho biết, sau những bước chuẩn bị từ những năm trước trong chiến lược phát triển giai đoạn 2 của tập đoàn này, Novaland đang đẩy mạnh phát triển loại hình bất động sản đô thị sinh thái và bất động sản nghỉ dưỡng với quỹ đất lớn. Trong đó, 3 đại dự án đang được Novaland triển khai gồm Aqua City, NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm…

Theo kế hoạch kinh doanh 2020 của Novaland, Công ty đặt mục tiêu đạt hơn 14.877 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 36%; lợi nhuận trước thuế khoảng 4.520 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái.

Lý do khiến Novaland tự tin vào kết quả kinh doanh trong năm 2020 là bởi doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục phát triển tối thiểu 22 dự án. Trong đó, có 16 dự án ở TP.HCM, 1 dự án ở Đồng Nai, 2 dự án ở Bình Thuận, 1 dự án ở Khánh Hoà và 2 dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Khang Điền là doanh nghiệp chủ yếu phát triển những khu nhà ở vừa và nhỏ như khu nhà thấp tầng 5,7 ha tại Bình Trưng Đông với 159 căn và một dự án khác 4,3 ha ở Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) với 122 căn. Đồng thời, Công ty tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng và từng bước hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án ở quận 2, quận 9, Bình Chánh và Bình Tân.

Hay Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay với 3.789 tỷ đồng doanh thu và 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 11% về doanh thu và tăng hơn 37% về lợi nhuận so với kết quả đạt được năm ngoái.

Còn Công ty cổ phần Đầu tư LDG cũng đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 là 2.756 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,5 lần doanh thu đạt được năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

Đây được xem là mục tiêu khá cao bởi kết quả kinh doanh trong quý I/2020 của doanh nghiệp này thấp kỷ lục, chỉ đạt 66 tỷ đồng, trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 313 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.

Vẫn tên tuổi lớn quyết định cuộc chơi

Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn với nhiều doanh nghiệp, vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn cực lớn. Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu kinh doanh và tăng trưởng cao của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh này không phải là không có căn cứ.

Các chuyên gia cho rằng, đối với các doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm và quan trọng hơn hết là sở hữu nhiều quỹ đất đắc địa sẽ là cơ hội rất lớn đối với họ.

Theo phân tích của ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, chúng ta đang trải qua “khúc ngoặt” để thanh lọc, loại bỏ những yếu tố không phù hợp với thị trường, tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

“Về câu chuyện nguồn cung sụt giảm, tôi cho rằng có nhiều lý do và đây là vấn đề mà chúng ta cần điều chỉnh để thị trường có thể phát triển theo hướng bền vững hơn”, ông Lâm nói và cho biết thêm, theo khảo sát trên tổng lượng giao dịch tại DKRA, có 23,5% khách hàng khi mua dự án đặt niềm tin vào chủ đầu tư, 14,8% dựa vào chính sách bán hàng, gần 15% quyết định vì thiết kế, sau đó mới tới vị trí và các tiện ích liên quan.

Ông Lâm cho rằng, điểm nổi bật trong khảo sát của DKRA là việc khách hàng quyết định đầu tư vì thương hiệu và uy tín của chủ đầu tư. Đây là kết quả hợp lý trong bối cảnh thị trường khó khăn.

“Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước rất mạnh mẽ và sòng phẳng so với doanh nghiệp nước ngoài, cả về chất lượng sản phẩm, quy mô... Tôi cho rằng, thị trường hiện nay đang có những diễn biến rất lạc quan và chúng ta đang chuẩn bị cho bước tiến dài hạn", ông Lâm nói.

Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Seaholdings cho rằng, qua những khó khăn lần này, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận được giá trị của mình. “Những doanh nghiệp trước đây chủ yếu hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính hay có những hướng đi chưa vững chắc thì đây là cơ hội để thanh lọc lại thị trường, giữ lại những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển bền vững”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, thị trường bất động sản còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới, không phải phân khúc nào cũng phát triển, mà sự phát triển này có sự chọn lọc, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao của các chủ đầu tư. Trong đó, pháp lý sản phẩm và uy tín doanh nghiệp sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định doanh nghiệp đó ở lại hay rời bỏ cuộc chơi.

Có cái nhìn thận trọng hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro mà tất cả các chủ thể tham gia thị trường đều phải thật tỉnh táo để có các giải pháp phù hợp. Chủ đầu tư cần quan tâm hơn đến phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Người mua nhà cần lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, thương hiệu, dự án có đầy đủ các yếu tố pháp lý để mua.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục