Chuyển giá, lách thuế chưa hết nhức nhối
Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng trên 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn mở rộng kinh doanh.
Báo cáo gần đây nhất của VCCI cho thấy, có 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Tình trạng chuyển giá, lách thuế vẫn là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan quản lý thuế hiện nay. Câu chuyện này thường phổ biến ở các ngành nghề như chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giầy, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát…
Một trong những phi vụ chuyển giá kinh điển là Adidas Việt Nam được giới truyền thông nghi ngờ chuyển giá từ cuối năm 2012. Adidas Việt Nam đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong vai trò là nhà phân phối bán buôn, nhưng thực tế lại phát sinh chi phí của nhà bán lẻ, làm dấy lên nghi ngờ đây chính là cách mà Adidas dùng để chuyển giá theo phương thức liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con thuộc Tập đoàn Adidas nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.
Theo Cục thuế TP. HCM, Adidas Việt Nam không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào, khiến giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam bị đội lên một cách vô lý, làm cho Adidas Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.
Hay câu chuyện ở Metro, trong khoảng 12 năm hoạt động tại Việt Nam (2002-2013), doanh nghiệp 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 301 triệu USD vào tháng 5/2013, nhưng liên tục kê khai, với mức lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ USD và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỷ đồng. Một mặt báo lỗ, mặt khác Metro tiếp tục mở 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Cơ quan thanh tra thuế đã vào cuộc và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền hơn 500 tỷ đồng, đồng thời xác định Metro Việt Nam đã có lãi trong 2 năm 2010 và 2011 với số tiền 234,8 tỷ đồng.
Sử dụng các phương pháp trong giao dịch liên kết để “né” nộp thuế tại Việt Nam là chiêu thức nhiều doanh nghiệp FDI áp dụng trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, thực chất giao dịch liên kết là hoạt động bình thường giữa các công ty trong tập đoàn, công ty mẹ-con, công ty khác nhau giữa các quốc gia. Nhưng nếu giao dịch đó đẩy giá mua vào cao lên, còn giá bán tại thị trường Việt Nam lại rẻ đi, khiến lợi nhuận ở Việt Nam sụt giảm, thậm chí không có lợi nhuận, thì đó là hành vi chuyển giá.
Để kiểm soát doanh nghiệp có chuyển giá hay không, các cơ quan thuế sẽ soi vào giao dịch liên kết để xem có sự bất thường so với giá của một giao dịch độc lập tương đồng hay không. Nếu có, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và áp giá mức giá mới cao hơn.
Tuy nhiên, để có thể tìm được yếu tố bất thường, năng lực của cơ quan quản lý thuế phải được nâng cao, hoạt động khách quan và đặt trách nhiệm đạo đức của người thi hành công vụ lên hàng đầu, tạo sự minh bạch, công bằng trong môi trường đầu tư.
E ngại đánh đồng các giao dịch liên kết
Mặc dù chuyển giá diễn ra phổ biến ở các giao dịch liên kết, nhưng không nên đánh đồng tất cả các giao dịch liên kết của doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có mục đích chuyển giá. Thực tế, chỉ một số doanh nghiệp đã “lạm dụng chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận” gây nên nhìn nhận tiêu cực về hoạt động giao dịch liên kết.
Trao đổi tại hội thảo “Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội bày tỏ quan ngại đối với cách nhìn nhận chuyển giá như một công cụ trốn thuế - là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Adam Sitkoff, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên rào cản đối với các nhà đầu tư quốc tế khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Vị này cho rằng, cần phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí, cổ phần...
Trên thực tế, Việt Nam hiện chưa có bảng dữ liệu giá độc lập để so sánh nên chưa có quy chuẩn cụ thể về mức giá. Bởi vậy, việc nhanh chóng thiết lập và hoàn thiện hệ thống dữ liệu giá và bảng giá giao dịch độc lập là yêu cầu cấp thiết để giúp cơ quan thuế có cơ sở so sánh, từ đó kiểm soát các giao dịch liên kết tương đồng.
Ông Wayne Barford, cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, cựu trợ lý Ủy viên Sở Thuế vụ Úc cho biết, do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.
“Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp”, ông Wayne Barford bày tỏ quan điểm.