Theo báo cáo năm thứ 11 của Khảo sát Chuyên gia nước ngoài - Expat Explorer của HSBC, khi làm việc tại nước ngoài, các chuyên gia sẽ gia tăng thêm trung bình 21.000 đô la Mỹ (USD) vào thu nhập hàng năm - số tiền đủ để mua một chiếc xe mới, trả gấp hai lần số nợ trung bình của gia đình hoặc đủ trả tiền thuê nhà trong hai năm.
Nghiên cứu của ngân hàng quốc tế hàng đầu trên thế giới cho biết các chuyên gia cũng tìm hiểu kỹ các nước để tận dụng tối đa kỹ năng của mình. Thu nhập của họ tăng thêm khoảng 45% khi làm chính xác công việc của họ ở nước ngoài, trong khi 28% cho biết họ chuyển ra nước ngoài làm việc vì thăng tiến trong sự nghiệp.
Các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam tiết lộ mức lương trung bình hàng năm mà họ kiếm được khoảng 90.408 USD, trong đó 31% số người được khảo sát cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm.
Việt Nam đứng đầu trên thế giới với gần ba phần tư (72%) nói rằng việc chuyển đến làm việc tại đây giúp họ tiết kiệm được nhiều hơn, trong khi 72% cũng đồng ý rằng họ có thu nhập khả dụng nhiều hơn so với khi làm việc ở quê nhà. Hai kết quả này đều cao hơn mức trung bình toàn cầu (tương tứng 52% cho tiết kiệm và 56% cho thu nhập khả dụng).
Mục đích tiết kiệm hoặc đầu tư phổ biến nhất vẫn thuộc về hưu trí (43%), tiếp theo là mua thêm hoặc mua bất động sản đầu tiên (30%). Tuy nhiên, khi nhắc đến quyền sở hữu tài sản, một phần tư (26%) chuyên gia nước ngoài cho biết họ có sở hữu tài sản tại Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 36%.
Các chuyên gia cũng được hưởng các lợi ích vật chất khác khi làm việc tại nước ngoài. Hơn một nửa (55%) chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn; nhiều người có nơi ở tiện nghi hơn (41%), có người giúp việc (39%) và chi tiêu nhiều hơn cho chuyện học hành của con cái (16%).
Tại sao người nước ngoài chuyển đến Việt Nam?
Ba lý do hàng đầu được liệt kê bao gồm tìm kiếm thử thách mới (26%), thăng tiến nghề nghiệp (26%) và cải thiện chất lượng cuộc sống (24%). Với tất cả những nguyện vọng này, gần một nửa (47%) chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.
Các chuyên gia nước ngoài ở Hồng Kông và Mỹ đa số cũng đồng ý chọn hai quốc gia này là nơi tốt nhất để thăng tiến sự nghiệp với tỷ lệ đồng thuận lần lượt là 72% và 71%, kết quả này cao hơn mức trung bình toàn cầu (56%).
Gói tuyển dụng chuyên gia thường đi kèm nhiều ưu đãi. Đa số (54%) người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động như 73% nhận được trợ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe, 57% nhận trợ cấp thăm nhà hoặc vé máy bay, và 42% có trợ cấp chỗ ở so với mức trung bình toàn cầu tương ứng 43%, 17% và 18%.
Mặc dù thu nhập trung bình cho một người nước ngoài tại Việt Nam chỉ khoảng 90.000 USD, ít chuyên gia nước ngoài tại đây lo ngại về vấn đề tài chính so với các chuyên gia trên toàn cầu nhờ một phần chi phí sinh hoạt hợp lý và các khoản trợ cấp tốt.
Tuy nhiên, vẫn có những mối lo mà các chuyên gia phải trải qua khi làm việc tại nước ngoài.
Trên toàn cầu, mặc dù 50% người được khảo sát cảm thấy tự tin về kinh tế địa phương, gần một phần ba (24%) lo ngại tình hình bất ổn kinh tế, trong khi đó 29% lại lo lắng về tình hình bất ổn chính trị ở nước sở tại có thể ảnh hưởng đến tài chính của họ.
Trong khi đó, tại Việt Nam có tới hai phần ba (66%) chuyên gia nước ngoài nói rằng họ cảm thấy rất tự tin về nền kinh tế Việt Nam.
Liên quan đến an sinh tài chính của họ, những vấn đề mà họ quan ngại nhất là: a) những quy định về hạn chế dịch chuyển tài chính xuyên quốc gia (37%), b) bất ổn kinh tế toàn cầu (24%) và c) tỷ giá hối đoái ít thuận lợi hơn (22%), mức độ đảm bảo về công việc ít hơn cho các chuyên gia nước ngoài và đối tác của họ (22%) ở Việt Nam.
Bảng xếp hạng tổng thể Khảo sát Chuyên gia nước ngoài
Bảng xếp hạng tổng thể của Expat Explorer xếp hạng từng quốc gia hoặc vùng lãnh thổ bằng cách sử dụng điểm số tóm tắt quan điểm của người nước ngoài về các khía cạnh kinh tế, trải nghiệm và cuộc sống gia đình ở nước sở tại.
Xét về gia tăng thu nhập và quan hệ xã hội, năm thứ tư liên tiếp Singapore được đánh giá là điểm đến tốt nhất trên thế giới, tiếp theo là New Zealand, Đức, Canada và Bahrain.
Năm nay, Việt Nam đã tăng thứ hạng từ vị trí thứ 23 lên 19 với tư cách là một đất nước mà người nước ngoài mong muốn sống và làm việc.
Singapore dẫn đầu thế giới nơi làm việc và sinh sống dành cho chuyên gia nước ngoài
Việt Nam vẫn giữ vị thế tương đối cạnh tranh trong mắt của chuyên gia nước ngoài về các yếu tố kinh tế.
Việt Nam đứng thứ 10 trong chỉ tiêu phụ Kinh tế - vị trí này đứng thứ hai sau Singapore (đang xếp hạng ba) trong số 6 nước ASEAN tham gia khảo sát. Trong các chỉ số phụ của Kinh tế, Việt Nam là quốc gia số một trên thế giới giúp người nước ngoài tiết kiệm nhiều hơn và có thu nhập khả dụng nhiều hơn (đều 72%)
Tuy nhiên, Việt Nam lại nhận được các phản hồi không mấy thuận lợi trong các chỉ số phụ về Trải nghiệm (đứng thứ 17) và Gia đình (đứng thứ 26). Chỉ có 42% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam so với hơn một nữa (52%) chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu đồng ý rằng họ tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn tại Việt Nam so với quê nhà, bao gồm mọi thứ từ y tế đến văn hóa.
Đề cập đến trải nghiệm đầu tiên của họ như một chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam, dưới một phần ba (27%) người nước ngoài cho rằng họ cảm thấy dễ dàng trong việc tổ chức tài chính (ví dụ như tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán thuế) và hơn một phần ba (35%) có trải nghiệm tốt về dịch vụ sức khỏe như bác sĩ địa phương và bảo hiểm (kết quả trung bình toàn cầu tương ứng là 43% và 46%).
Mặc dù thu nhập trung bình cho một người nước ngoài tại Việt Nam chỉ khoảng 90.000 USD, ít chuyên gia nước ngoài tại đây lo ngại về vấn đề tài chính so với các chuyên gia trên toàn cầu nhờ một phần chi phí sinh hoạt hợp lý và các khoản trợ cấp tốt.
Ngoài ra, chỉ có 18% chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng chất lượng chăm sóc trẻ em ở Việt Nam tốt hơn so với nước nhà trong khi mức trung bình toàn cầu là 38%.
Tuy nhiên, làm việc tại Việt Nam ít căng thẳng hơn so với ở quê nhà khi gần 40% chuyên gia nước ngoài nói họ cảm thấy rất vui vẻ khi làm việc ở Việt Nam. Môi trường làm việc tại Việt Nam cũng tốt với 35% chuyên gia nước ngoài nói họ có thể giao tiếp tại nơi làm việc tốt hơn so với khi làm việc ở quê nhà.
Tất cả những điều đó, 92% người nước ngoài ở Việt Nam nói họ thấy vui hoặc vui hơn khi làm việc tại Việt Nam so với tại quê hương.
Ông John Goddard, Giám đốc HSBC Expat cho biết: “Có nhiều lý do để chuyển đến nước ngoài làm việc, chẳng hạn như tiến triển nghề nghiệp, cuộc sống tốt hơn cho gia đình hoặc chỉ để nắm bắt một cuộc phiêu lưu mới.
Một điều rõ ràng là, những ai chấp nhận thử thách sẽ tận hưởng được rất nhiều trải nghiệm khác nhau, gặt hái nhiều kỹ năng mới và khám phá về bản thân trên suốt chặng đường này.
Lần đầu làm việc ở nước ngoài sẽ đòi hỏi nhiều can đảm nhưng phần thưởng có được cũng sẽ rất xứng đáng. Có rất nhiều điều cần cân nhắc nếu bạn đang nghĩ đến việc chinh phục một cuộc sống mới, đó có thể là thị thực của bạn, tài khoản ngân hàng hoặc bạn sẽ sống ở đâu".
"Lập kế hoạch là chìa khóa để bạn có thể tập trung vào những gì thực sự quan trọng - gặp gỡ người mới, khám phá một đất nước mới và tìm ra một viễn cảnh mới”, ông John Goddard nhấn mạnh.
Còn ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết: “Năm nay, kết quả từ cuộc khảo sát Expat Explorer cho thấy Việt Nam là một nước chủ nhà đầy hứa hẹn cho những chuyên gia nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội và thách thức để thúc đẩy và phát triển sự nghiệp của bản thân.
Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ cải thiện một số lĩnh vực để nâng cao trải nghiệm của người nước ngoài và gia đình họ bằng cách phát triển hơn nữa môi trường, chương trình giáo dục và dịch vụ tài chính”.