Đặc biệt, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao và là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Có thể nói, kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi lại mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây gần 10 năm.
Điều đáng nói thêm là, cách thức tăng trưởng đã thay đổi đáng kể. Tăng trưởng GDP không còn chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng tín dụng ngân hàng, tăng sản lượng khai thác tài nguyên, mà chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động. Đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đã cải thiện nhiều so với những năm trước đây.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực về Việt Nam. Sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động bất lợi bên ngoài đã cải thiện nhiều so với trước. Những thành tựu đạt được trên đây là một trong các yếu tố thuận lợi củng cố năng lực nội sinh cho nền kinh tế, để tiếp tục đà phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về bối cảnh quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo suy giảm do tác động của xu hướng bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa các cường quốc gia tăng cả về quy mô và cường độ.
Tuy vậy, kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới, Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới giữa Việt Nam và EU sẽ sớm được ký kết và thông qua; CPTPP sẽ được thực thi từ đầu năm 2019…
Như vậy, Việt Nam vẫn có những cơ hội lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại thế giới có những biến động bất lợi, khó lường.
Quốc hội vừa thảo luận đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với các chỉ tiêu ở mức không thấp hơn năm 2018 cùng hàng loạt giải pháp cụ thể.
Chính phủ nâng cao năng lực dự báo kinh tế vĩ mô; tiếp tục điều hành linh hoạt và thận trọng, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tỷ giá để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện nhất quán, quyết liệt và liên tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp tục bãi bỏ thực chất hàng nghìn rào cản gia nhập thị trường; loại bỏ hàng chục nghìn mặt hàng xuất, nhập khẩu ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; nâng cao hiệu lực thực thi, đảm bảo minh bạch và dự đoán được của chính sách, luật pháp; tăng quyền tự do, độ an toàn và bình đẳng trong kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro trong hoạt động kinh doanh; tiếp tục triển khai một cách thực chất các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…
Những giải pháp nói trên chắc chắn sẽ tạo thuận lợi và thêm nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, cần phải hoàn thiện, nâng cao hiệu lực và chất lượng quản trị công ty, tiến dần tới thông lệ quốc tế tốt. Trước mắt, cần tập trung thực hiện bảo vệ tốt hơn quyền của cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số; nâng cao chất lượng và trách nhiệm của hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tăng cường chất lượng và hiệu lực công khai thông tin, cải thiện minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình…
Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng phải là lực lượng chủ lực trong nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tất cả những thay đổi nói trên sẽ nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, tiềm lực và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và mức độ thịnh vượng của quốc gia.