Trụ cột nào cho phát triển kinh tế của Việt Nam?

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khác được đánh giá là sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng liệu nền kinh tế Việt Nam có nên chỉ dựa vào các trụ cột này?
Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Đức Thanh

Liệu có phải “xây nhà trên móng người khác”?

Một câu hỏi rất đáng chú ý đã được bà Lê Thu Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đặt ra trong phiên thảo luận về Hiệp định CPTPP đầu tuần này. Đó là, phương thức công nghiệp hóa lấy xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm động lực có còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 nữa không?

Theo lý giải của bà Lê Thu Hà, nếu dựa trên xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì chúng ta đang “xây nhà trên móng của người khác”.

Tuy nhiên, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đã nhấn mạnh rằng, nói như vậy là “chưa chính xác”, bởi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, bất cứ nền kinh tế nào cũng có sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta đang có cơ hội lớn để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, với gần 97 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, dự báo có thể đạt 20% dân số trong vòng 1 - 2 năm tới

- GS-TSKH Nguyễn Mại

“Từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển được là nhờ rất lớn vào những đóng góp của khu vực FDI. Tổng kết 30 năm thu hút FDI đã khẳng định, FDI là một bộ phận của kinh tế Việt Nam. Định hướng xuất khẩu cũng vậy, cũng đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hai năm gần đây, xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã góp phần quan trọng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp Việt Nam tăng dự trữ ngoại hối, ổn định đồng tiền, tạo việc làm…”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Cũng theo GS-TSKH Nguyễn Mại, hầu hết các nước trên thế giới đều coi trọng định hướng xuất khẩu để vừa tiêu thụ được hàng hóa sản xuất trong nước, vừa thu được ngoại tệ. “Nhưng công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu thì tốt hơn là công nghiệp hóa hướng về thay thế hàng nhập khẩu. Cái này thế giới đã chứng minh”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng có chung quan điểm về những đóng góp của khu vực FDI, cũng như xuất khẩu đối với kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, TS. Trần Đình Thiên thừa nhận có chuyện kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc vào bên ngoài. “Nền kinh tế Việt Nam được định hướng là mở cửa xuất khẩu, nhưng phần lớn xuất khẩu lại thuộc khu vực FDI, nên có chuyện phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Theo TS. Trần Đình Thiên, cần có định hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn tới, cả về phát triển khu vực trong nước lẫn trong thu hút FDI.

Tìm trụ cột cho phát triển kinh tế của Việt Nam

Đúng là, với câu hỏi về chiến lược phát triển của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì tiếp tục thu hút FDI và tăng cường xuất khẩu vẫn là một câu trả lời chính xác.

“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, dù khu vực FDI và trong nước đang có sự chênh lệch trong phát triển, nhưng không có nghĩa là ‘kéo’ khu vực FDI xuống, mà phải là thúc đẩy khu vực trong nước phát triển nhanh hơn, chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong nền kinh tế. Tương tự, trụ cột phát triển kinh tế của Việt Nam tới đây vẫn là xuất khẩu. Không thể có chuyện giảm xuất khẩu, mà phải là làm sao thúc đẩy phát triển thị trường trong nước đi lên.

Chúng ta đang có cơ hội lớn để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, với gần 97 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, dự báo có thể đạt 20% dân số trong vòng 1 - 2 năm tới”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên cũng thừa nhận, nói về câu chuyện phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI, vào thị trường nước ngoài không có nghĩa là có cái nhìn kỳ thị với FDI, mà quan trọng là phải có tư duy chiến lược mới trong thu hút FDI, đặt khu vực FDI trong mối quan hệ với khu vực tư nhân. “Thời gian qua, chúng ta khá cởi mở trong thu hút FDI, khiến không gian cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển giảm đi. Thời gian tới, cần định hình lại chiến lược này”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện định hướng chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới. Trong đó, có 2 điểm đáng lưu ý. Đó là tới đây, sẽ “tiến tới cân bằng giữa thu hút FDI định hướng xuất khẩu với thu hút đầu tư để đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước; đồng thời, phát triển sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao bằng nguồn nguyên liệu trong nước”. Đặc biệt, sẽ không khuyến khích thu hút FDI trong ngành và lĩnh vực mà trong nước thực hiện được.

Trong khi đó, đề cập sâu hơn về chiến lược phát triển của Việt Nam, bà Lê Thu Hà cũng cho rằng, cần phải rà soát lại tổng thể chính sách công nghiệp, thương mại và đầu tư để tìm phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm khơi dậy, giải phóng sức sáng tạo, năng lực nội sinh, các nguồn lực và thị trường trong nước.

“Với FDI, cần phải đổi mới tư duy, chính sách theo hướng thu hút FDI có chọn lọc, có điều kiện, không thu hút bằng mọi giá. Với thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cần hết sức coi trọng việc sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, bên cạnh đó, cần phải tìm một động lực mới cho phát triển gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước, như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ được phát triển từ cách mạng công nghiệp 4.0…

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục