Mở rộng quỹ đất sạch
Câu chuyện về một làn sóng đầu tư mới khi nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn của thế giới dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam không còn là kế hoạch, mà đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương.
Đó cũng là lý do, gần đây, nhiều địa phương phía Nam đã trình cấp có thẩm quyền đề xuất mở rộng và quy hoạch khu công nghiệp (KCN), với diện tích hàng ngàn héc-ta, kỳ vọng “lót ổ” đón dòng vốn đầu tư.
Chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài trong một hoạt động xúc tiến đầu tư gần đây, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, chính quyền tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng và bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp với diện tích 8.000 ha, gồm mở rộng diện tích 3 KCN thêm 2.500 ha.
Cùng với đó, Bình Phước có kế hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú giai đoạn III với diện tích khoảng 1.500 ha.
Trong khi đó, tỉnh Long An gần đây đã được cấp có thẩm quyền bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020, gồm KCN Sài Gòn - Mekong, diện tích 200 ha; KCN Tân Tập, diện tích 654 ha; KCN Lộc Giang, diện tích 466 ha.
Ngoài ra, Long An còn được bổ sung một số KCN mở rộng vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam, như KCN Long Hậu giai đoạn II mở rộng, diện tích 90 ha; KCN Xuyên Á giai đoạn III, diện tích hơn 177 ha...
Một thông tin cũng đáng chú ý là, cách đây chưa lâu, tỉnh Đồng Nai còn chủ trương không mở thêm KCN, mà chỉ hướng mạnh đến phát triển thương mại dịch vụ, thì nay đã điều chỉnh chính sách và xin mở rộng thêm KCN.
Cụ thể, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai phát triển thêm 6.500 ha đất công nghiệp. Tính đến nay, 32/35 KCN của tỉnh Đồng Nai đã được thành lập với tổng diện tích hơn 10.200 ha, trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động và cơ bản cho thuê hết đất, 1 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng, chuẩn bị khai thác. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê của các KCN này đạt 82%...
Mạnh tay với dự án… rùa
Cùng với việc tăng thêm quỹ đất, cải thiện môi trường đầu tư, nhiều địa phương phía Nam gần đây cũng mạnh tay với các dự án khu, cụm công nghiệp chậm triển khai hoặc chủ đầu tư thiếu năng lực.
Thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết, mới đây, chính quyền tỉnh đã có văn bản thông báo về việc chưa thống nhất cho giãn tiến độ đối với Dự án KCN Việt Phát ở huyện Thủ Thừa.
Theo đó, yêu cầu các ngành chức năng rà soát, đánh giá nhiệm vụ được giao theo Kết luận thanh tra số 1929/KL-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh Long An về việc thanh tra toàn diện đối với dự án này; báo cáo rõ nhiệm vụ nào làm xong, nhiệm vụ nào chưa làm xong...
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư dịp khởi công xây dựng KCN Việt Phát hồi tháng 5/2020, ông Lê Thành, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An (chủ đầu tư KCN Việt Phát) cho biết, Dự án đã hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN trong thời gian sớm nhất.
Đại diện chủ đầu tư khi đó cũng chia sẻ rằng, qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới đã bày tỏ sự quan tâm, muốn thực hiện dự án tại KCN Việt Phát.
Theo các chuyên gia, triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam năm nay và những năm tới là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
Việc mở thêm các KCN, tăng quỹ đất để thu hút đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, cần có chiến lược thu hút đầu tư những lĩnh vực, ngành nghề hợp lý theo điều kiện của mỗi địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát đối với các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp chậm tiến độ, chủ đầu tư thiếu năng lực trong thực hiện dự án.