Dù đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động giao thương, đầu tư trên toàn thế giới, tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam vẫn rất tích cực trong thời gian vừa qua. Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân chính?
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn tương đối khả quan, đạt 23,4 tỷ USD (giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, chỉ giảm 2,5% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, vốn đăng ký mới cũng chỉ giảm nhẹ 9,1% so với cùng kỳ, trong khi vốn tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, tăng 4,4%.
Ở góc độ khác, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu đạt 147,9 tỷ USD, giảm 2,4%; nhập khẩu đạt 117,5 tỷ USD, giảm 3%. Điều này chứng tỏ cho dù bị tác động, gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm nhiều.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông |
Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính... đã giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Ngoài ra, trong năm nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam, nhưng do dịch bệnh nên chưa vào Việt Nam được để tiến hành các thủ tục đầu tư. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đại sứ quán, hiệp hội, ngân hàng, công ty kiểm toán… để tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến (online) với sự tham gia của hàng nghìn nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc online với từng nhà đầu tư lớn đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Đây là tín hiệu tốt thể hiện các nhà đầu tư trên thế giới đang rất quan tâm đến những cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, cũng như những ưu thế cạnh tranh của Việt Nam. Từ đó mở ra triển vọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tích cực trong thời gian tới.
Việt Nam có lợi thế như đội ngũ lao động trẻ, chi phí thấp, chính trị - xã hội ổn định và vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dường như những lợi thế này vẫn chưa chưa được khai thác triệt để nhằm tạo ra động lực bứt phá cho tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng bình luận thế nào về đánh giá đó?
Nhờ các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa ra các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính là một trong những tiền đề quan trọng tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.
Với những lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới về đây đặt các nhà máy sản xuất và những lợi thế đó đã được phát huy một cách tích tực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nghẽn làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, trong đó vấn đề quan trọng là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao từ các nhà sản xuất công nghiệp trên thế giới còn chưa đạt được như mong muốn.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng dù đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, hạ tầng các khu công nghiệp… Chưa kể, khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều điểm nghẽn, chồng chéo, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đây là vấn đề đã được Chính phủ nhìn nhận và chỉ đạo cơ quan tham mưu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc cùng nhiều bộ, ngành trung ương để cải thiện các tồn tại, hạn chế nhằm tận dụng được tối đa tiềm năng, lợi thế của chúng ta trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Đối với việc phát triển khu công nghiệp, nhiều nhà đầu tư chia sẻ nguyện vọng về việc rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, triển khai một dự án hạ tầng khu công nghiệp. Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng sắp tới của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đơn giản hóa các thủ tục này?
Một trong những vấn đề lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là môi trường pháp lý phải minh bạch, thuận lợi. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến từ các bộ, ban ngành, địa phương để xây dựng, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm đẩy nhanh quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.
Thuận lợi của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới là mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đã có từ lâu, hạ tầng cơ bản đã được đầu tư, có nhiều chính sách ưu đãi đối với loại hình kinh tế này. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất lớn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án đầu tư nước ngoài lớn.
Riêng với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh và thống nhất lại quy trình thủ tục pháp lý, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ chặt chẽ hơn so với trước đây. Luật Đầu tư quy định dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và quy định cụ thể trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này.
Việc thực hiện dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định của pháp luật khác nhau về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, kinh doanh bất động sản… dẫn đến phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục hành chính khác nhau theo quy định của pháp luật có liên quan. Quy định của pháp luật đối với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp còn nhiều vướng mắc, điển hình như:
(i) Việc đánh giá về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có khó khăn do quy định để xác định các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp chưa được quy định cụ thể tại pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu.
(ii) Pháp luật về môi trường yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định chủ trương đầu tư.
(iii) Pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản yêu cầu đánh giá về điều kiện, năng lực tài chính của nhà đầu tư để thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
(iv) Pháp luật về đất đai yêu cầu việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng) sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, trình tự, thủ tục đầu tư và triển khai dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp có sự tham gia của nhiều cơ quan và mất nhiều thời gian.
Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (riêng điều khoản về đánh giá tác động môi trường có hiệu lực từ ngày 1/9/2020) đã tháo gỡ nhiều thủ tục như: Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chỉ cần báo cáo sơ bộ tác động môi trường để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…, giúp rút ngắn thời gian và thủ tục đầu tư đối với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra, tại Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế và mô hình khác.
Khung pháp lý cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng thực tế vẫn đang tồn tại sự thiếu thống nhất giữa các địa phương và bộ ngành. Địa phương tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư nên đưa ra nhiều ưu đãi, nhưng có thể lại vướng các văn bản pháp luật ban hành sau này. Xin Thứ trưởng cho biết về phương án giải quyết với những vướng mắc nêu trên?
Hiện nay, phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã được quy định rõ tại Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các quy định của pháp luật chuyên ngành khác có liên quan (xây dựng, bất động sản, đất đai...), trong đó quy định rõ các ưu đãi, cơ chế chính sách áp dụng cho loại dự án hạ tầng khu công nghiệp.
Các địa phương, theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ và điều kiện được phép hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong tại địa phương. Tuy nhiên, việc đề xuất các cơ chế hỗ trợ phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Để tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển và thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, trong thời gian sắp tới cần nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của khu công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đất nước; thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với thủ tục hành chính đơn giản; tạo sự thống nhất giữa cơ quan nhà nước các cấp trong xây dựng chính sách, hoàn thiện các nội dung quan trọng liên quan đến phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương vì sự phát triển chung của khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng..., các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi, quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế - môi trường - xã hội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với khu vực khác.
Trong định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Chính phủ, có nội dung phát triển khu công nghiệp gắn với yếu tố sinh thái, bền vững. Xin Thứ trưởng phân tích rõ hơn về xu hướng này?
Hiện nay, cả nước có 336 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic… Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.Trong đó, mô hình khu công nghiệp gắn với yếu tố sinh thái, bền vững là mục tiêu phát triển quan trọng của Việt Nam.
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động. Tại các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đã xuất hiện sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp .
Trên cơ sở các kết quả triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã quy định cụ thể định hướng phát triển và cơ chế, chính sách cho khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ để chuyển đổi không gian và mô hình phát triển khu công nghiệp hướng đến các yếu tố bền vững.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành các hoạt động Tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam để đưa ra các định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian tới. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, phát triển các mô hình khu công nghiệp mới như:
(i) Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.
(ii) Quy hoạch khu công nghiệp gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
(iii) Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định như các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động R&D; khu công nghiệp hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo...
(iv) Định hướng và thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết, có lợi thế về kết cấu hạ tầng giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, nguồn nhân lực, logistic và có khu công nghiệp với những dự án đầu tàu, có khả năng lôi kéo, hình thành các dự án vệ tinh, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển.
Các nội dung này sẽ được cụ thể hóa và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế dự kiến thực hiện vào cuối năm 2020 và sẽ được quy định cụ thể tại Nghị quyết của Chính phủ về triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong giai đoạn tới.