Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển đầu tư: Xây tổ đón đại bàng

0:00 / 0:00
0:00
“Xây tổ đón đại bàng” là điều không mới khi Việt Nam mong muốn đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu.
Xây tổ đón đại bàng là quan trọng, nhưng phải là chiếc tổ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, để làm sao đón đúng đại bàng mà mình muốn đón. Xây tổ đón đại bàng là quan trọng, nhưng phải là chiếc tổ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, để làm sao đón đúng đại bàng mà mình muốn đón.

Nhưng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Phú Yên vào cuối tuần trước và nhấn mạnh việc “không nên chỉ chú trọng đại bàng, mà cần có hình dung rõ ràng về chiếc tổ”, thì hàm nghĩa của câu chuyện “đại bàng” cùng “chiếc tổ” càng trở nên rõ ràng hơn.

Hiểu một cách đơn giản, “làm tổ đón đại bàng” chính là làm sao cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với Phú Yên, cũng đã nhấn mạnh chuyện “chúng ta đang nói về một môi trường kinh doanh năng động và cởi mở trong việc lôi kéo ‘đại bàng’ về làm tổ tại tỉnh nhà”.

Điều này có lẽ không chỉ có ý nghĩa với riêng Phú Yên, một tỉnh còn khiêm tốn trong thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, “đại bàng” nói riêng, mà còn cho cả các địa phương khác, cho cả nước nói chung.

Thực tế, để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam đã có rất nhiều sự chuẩn bị, về đất đai, năng lượng, nhân lực, thể chế…, bao gồm cả việc sẵn sàng trao các thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội hơn cho các nhà đầu tư lớn.

Nhờ thế, cộng hưởng với lợi thế lâu nay, Việt Nam tiếp tục vượt lên là một điểm đến đầu tư hàng đầu và đã thu hút được trên 28,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2020, trên 2 tỷ USD trong tháng đầu của năm nay.

Thậm chí, xu hướng thời gian gần đây, hàng loạt dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, của LG, Foxconn, Pegatron, Wistron, Luxshare…, quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Tất cả những động thái đó được Việt Nam đón nhận trong sự hồ hởi và thực tế, đó thực sự là điều đáng mừng. Việt Nam đã trở thành “hub” - điểm đến về thương mại, đầu tư trong khu vực. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều hơn cho “chiếc tổ” của mình.

Chỉ đơn giản câu chuyện về nhân lực. Sau khi tuyên bố đầu tư thêm 270 triệu USD vào Bắc Giang, Foxconn vừa thông báo tuyển dụng hơn 1.000 công nhân lắp ráp điện tử, kỹ sư công nghệ ở Việt Nam.

Tập đoàn này sẽ không chỉ dừng lại ở đấy, mà sẽ tiếp tục đầu tư thêm tại Bắc Giang, ít nhất trong năm nay, và có thể còn đầu tư cả ở Thanh Hóa. Lúc ấy, nhu cầu nhân lực của họ sẽ không chỉ là “thêm” 1.000 người như hiện nay nữa.

LG Display cũng vậy khi vừa đầu tư thêm 750 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Hải Phòng. Nhà đầu tư này cũng cho biết, khi đi vào sản xuất, dự án của họ sẽ giúp tuyển dụng thêm khoảng 5.000 lao động.

Không chỉ hai nhà đầu tư trên, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang tiếp tục rót vốn. Thậm chí, không chỉ là đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, Samsung còn tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm R&D lớn ở Hà Nội. LG thì muốn biến Đà Nẵng thành một trung tâm R&D mới của mình ở Việt Nam…

Khi những dự án này thành hình, nhu cầu nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Việt Nam liệu có thể đáp ứng? Nếu thêm các dự án công nghệ cao khác, thì Việt Nam liệu có sẵn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư?

Đó thực sự là một vấn đề. Hơn nữa, vấn đề còn ở chỗ cái “tổ” phải phù hợp với từng địa phương, với mong muốn của chính địa phương đó. Vấn đề cũng không đơn thuần ở là quy mô dự án đầu tư thế nào, mà cần quan tâm đến ý tưởng, tầm nhìn chiến lược của từng dự án cụ thể trong tổng thể chiến lược của địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến đều này khi làm việc với tỉnh Phú Yên.

Thực tế, khi xây dựng chiến lược thu hút đầu tư giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vạch ra rất rõ những định hướng chiến lược trong thu hút đầu tư không chỉ theo lĩnh vực, ngành nghề, mà còn theo địa phương… Điều đó có nghĩa, tùy từng địa phương, tùy từng lĩnh vực, cần có “tổ” riêng phù hợp nhất.

Nhưng thực tế hiện nay, cuộc đua thu hút đầu tư khiến đây đó, vẫn có những địa phương chỉ quan tâm về số lượng vốn, mà quên đi điều quan trọng hơn cả, là liệu dự án đó “phục vụ” được cho chiến lược phát triển của địa phương hay không? Và liệu với điều kiện hiện tại, với cái “tổ” hiện tại, địa phương có đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư hay không. Trong thu hút đầu tư giai đoạn tới, phải là cuộc chơi “win-win”, chứ không thể nghiêng về lợi ích của riêng bên nào.

Xây tổ đón đại bàng là quan trọng, nhưng phải là chiếc tổ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, để làm sao đón đúng đại bàng mà mình muốn đón.

Với Việt Nam cũng vậy, việc xây tổ đón đại bàng giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết và cần được đẩy nhanh hơn nữa, khi ngấp nghé đâu đó, rất nhiều đại bàng đang muốn đến tìm hiểu. Làm sao, để đại bàng không bay đi mất!

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục