Mục tiêu của Kỳ họp lần này rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ Kỳ họp lần thứ 17 tháng 11/2019 tới nay; đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Cụ thể, hai bên đã trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động-xã hội, môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, lãnh sự - tư pháp, khoa học công nghệ, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính - ngân hàng… và tham gia của hai nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Tại cuộc họp, hai bên đều thống nhất cho rằng, thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cần có các chính sách và giải pháp hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước thúc đẩy hợp tác mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, phía Việt Nam cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với phía Hàn Quốc, cùng với việc phối hợp với Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhà đầu tư Hàn Quốc gặp phải, đề nghị Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn lớn của Hàn Quốc có ý định dịch chuyển đầu tư khỏi các nước, nghiên cứu khả năng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như công nghệ cao, điện tử; năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng; xây dựng các Khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp chất lượng cao; y tế; sinh học, du lịch, ... và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (CNHT) đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai phía cũng thông nhất cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc nhập cảnh cho các nhân sự phía Hàn Quốc, vừa đảm bảo mục tiêu khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Về thương mại, năm 2019, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 19,7 tỷ USD, nhập khẩu 47 tỷ USD.
Ba quý đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã suy giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2,1% và nhập khẩu đạt 33 tỷ USD, giảm 6,5%.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục yêu cầu Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đề nghị Hàn Quốc hợp tác để nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ đôla Mỹ theo hướng cân bằng. Đồng thời, đề nghị Hàn Quốc ngừng áp dụng thuế chống phá giá với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 10/2020, Hàn Quốc đã có khoảng 8.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.
Việt Nam hiện có 49 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 35,24 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về viện trợ phát triển chính thức, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 300 triệu USD, trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc được ưu tiên cho những lĩnh vực: hạ tầng giao thông, đô thị; y tế; giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin…
Trong giai đoạn 2016-2020, những nguyên tắc, định hướng chung trong hợp tác phát triển của Hàn Quốc đối với Việt Nam được thể hiện trong Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam với ưu tiên được dành cho quản lý nhà nước, giáo dục, nước và y tế, giao thông. Ngoài vốn ODA, Hàn Quốc còn sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi qua khuôn khổ hợp tác tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đề nghị Hàn Quốc nới lỏng thêm điều kiện đấu thầu các dự án, hướng viện trợ của Hàn Quốc vào những lĩnh vực, dự án ưu tiên cao của Việt Nam và cùng phía Hàn Quốc triển khai Hiệp định tín dụng khung về vốn vay ODA cho giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2019, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký 3 hiệp định vay với tổng giá trị khoảng 85 tỷ Uôn cho 3 dự án trong lĩnh vực giao thông, y tế.
Về hợp tác lao động, hiện có hơn 37.000 lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) trong 4 ngành chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Biên bản ghi nhớ (MOU) về EPS hiện tại được ký kết ngày 23/3/2018. Vấn đề lớn nhất trong hợp tác lao động giữa hai nước là người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Do nỗ lực của cả hai phía bằng nhiều biện pháp, tỷ lệ lao động EPS cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm dần, phía Hàn Quốc đã ghi nhận nỗ lực của ta thể hiện tại Biên bản Kỳ họp lần thứ 17.
Lĩnh vực hợp tác lao động hiện cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, theo đó, phía Hàn Quốc thông báo kéo dài thời gian đàm phán ký gia hạn MOU về Chương trình EPS do tình hình dịch bệnh. Đồng thời, hiện nay vẫn còn 3.500 lao động được phía Hàn Quốc tuyển chọn nhưng hiện vẫn chưa được phía Hàn Quốc tiếp nhận sang Hàn Quốc do tình hình dịch bệnh.
Ngoài 4 lĩnh vực chính trên đây, Hàn Quốc và Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong các lĩnh vực như công nghiệp - năng lượng, hạ tầng - giao thông - xây dựng, nông nghiệp, lãnh sự - tư pháp, tài chính - ngân hàng, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, tài nguyên - môi trường…
Hai bên thống nhất trong thời gian tới tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực. Kinh nghiệm, năng lực, trình độ của Hàn Quốc là những thế mạnh mà phía Việt Nam cần tích cực khai thác, vận động phía Hàn Quốc hỗ trợ.