Hàng không thua lỗ, kêu cứu
Mặc dù đã giữa tháng 8/2021, song đến nay, Vietnam Airline (HoSE: VNA) và Vietravel Airlines vẫn xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2021. Dù vậy, theo thông tin mà các hãng công bố, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất thê thảm do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đạt 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020. Mảng vận tải hàng không mang về 9.360 tỷ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ hoạt động phụ trợ vận tải, doanh thu bán hàng và các doanh thu khác.
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức, song tài liệu đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 của Vietnam Airlines cho biết, lỗ hợp nhất nửa đầu năm ước lên tới 10.788 tỷ đồng, riêng quý II/2021 lỗ khoảng 5.900 tỷ đồng. Trong tháng 7/2021, đã có 3 ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tài cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước nhằm giải cơn khát thanh khoản tạm thời.
Mới đây, hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho vay 1.000 tỷ đồng lãi suất thấp (4-5%) trong vòng 5 năm để có thể duy trì cũng như hoạt động trở lại sau khi Covid-19 được khống chế.
Vietravel Airlines cho hay, 6 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn chỉ bằng 11% so cùng kỳ 2019, hiện chỉ có khoảng 50/1.700 nhân viên (tương đương 3%) làm việc không thường xuyên, số còn lại nghỉ không lương hoặc chuyển sang công tác khác.
Hiện nay, hầu như các máy bay đều nằm tại sân đỗ, tuy nhiên các hãng phải trả tiền thuê máy bay, tiền lương của người lao động, tiền bảo dưỡng máy bay, tiền sân đỗ và nhiều chi phí khác. Vì vậy, nhu cầu về vốn của các hãng đang là rất lớn.
Trong các hãng hàng không đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, chỉ có Vietravel Airlines là có lãi với doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 8.386 tỷ đồng và 127 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, một phần nhờ đẩy mạnh hoạt động vận tải hành khách và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa. Kết quả trong kỳ, hãng đã vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40% - 45% so với cùng kỳ.
Không chỉ các hãng hàng không, mà các doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng lỗ nặng 6 tháng đầu năm, khi nhiều đường bay phải đồng loạt đóng cửa do dịch bệnh.
Cụ thể, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) ghi nhận lỗ sau thuế 44 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (UpCOM: NCS) ghi nhận lỗ ròng 44 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021 khi doanh thu chỉ còn 76 tỷ đồng, giảm 48%. Tính đến ngày 30/6/2021, NCS lỗ lũy kế 70 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và nặng nề hơn so với năm 2020, ảnh hưởng đến toàn bộ thời gian hoạt động kinh doanh 6 nên doanh thu và lợi nhuận của kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Khi dịch bệnh xảy ra, mỗi năm NSC thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận nhờ dịch vụ cung cấp suất ăn mỗi ngày cho các chuyến bay. Riêng năm nay, NCS dự kiến lỗ 79 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng lỗ luỹ kế 7,4 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, tăng so với con số 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (AST) lỗ 66 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2020 lãi hơn 1,5 tỷ đồng).
Việc thua lỗ nặng nề khiến cổ phiếu ngành hàng không, dịch vụ hàng không cũng rớt thảm. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng, đến năm 2022, khi vắc xin được phủ rộng, ngành này sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại.
Nhà thầu lỗ thảm vì vật liệu xây dựng tăng phi mã
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp nhiều ngành vật liệu xây dựng thắng đậm, đặc biệt là thép do giá thành phẩm tăng cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhà thầu điêu đứng. Kết quả kinh doanh của cả ba ông lớn nhà thầu là Hòa Bình, Ricons và Coteccons đều đi xuống.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) cho biết, mặc dù doanh thu tài chính tăng gấp 7,5 lần do xuất hiện khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư, song biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh do giá thép tăng phi mã từ cuối quý II/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hoà Bình chỉ đạt 5.443 tỷ đồng doanh thu thuần, 67 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 1% và 616 % so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, sau 6 tháng, Hòa Bình mới đạt 40% kế hoạch doanh thu và 28,5% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Lãnh đạo HBC khẳng định, giá thép tăng đã ảnh hưởng đến giá vốn của HBC.
Tương tự, Công ty Xây dựng Coteccons (CTD) cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm do doanh thu và biên lợi nhuận sụt giảm trong khi chi phí hoạt động lại tăng mạnh (một phần do tăng trích lập dự phòng). Trong 6 tháng đầu năm, CTD chỉ đạt 5.119 tỷ doanh thu, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty này chỉ còn 99 tỷ đồng, giảm 65%. Như vậy, sau 1 năm về tay Kusto, lợi nhuận CTD liên tục sụt giảm. Nửa đầu năm nay, CTD mới đạt 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Ông lớn nhà thầu khác là Ricons cũng không lạc quan hơn là mấy khi lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm tới 38% so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần tăng gần 11%. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm dù doanh thu tăng là do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, khiến giá vốn tăng mạnh và tăng cao hơn doanh thu thuần, khiến biên lãi gộp giảm từ 5,8% xuống 3,8% trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 49%.
Đồ uống chịu tác động kép, chưa thấy lối ra
Cũng nằm trong nhóm ngành chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19, các doanh nghiệp rượu bia vừa có thêm một quý kinh doanh bết bát.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB) cho thấy, trong quý, lãi ròng của công ty chỉ đạt 1.071 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía công ty, sự bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.
Ngành rượu bia gặp khó khăn do dịch Covid 19. |
Tương tự, doanh thu thuần của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Mã: BHN) quý II/2021 cũng giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 182 tỷ đồng trong quý II, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông 147 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ hai ông lớn Habeco, Sabeco mà một loạt doanh nghiệp thành viên cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm 6 tháng đầu năm.
Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico; UpCOM: HNR) lỗ trên 13,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm (giảm lỗ 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) giảm 23% doanh thu và 34,3% lợi nhuận gộp so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 370 triệu đồng, giảm sốc 92% so với mức lãi 4,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Dịch Covid-19 đợt 4 quay lại đúng vào mùa nắng nóng - mùa cao điểm tiêu thụ bia - khiến các doanh nghiệp rượu bia chịu tác động nặng nề. Năm 2020, ngành rượu bia chịu tác động kép rất nặng nề bởi dịch Covid-19 (hàng loạt nhà hàng quán ăn bị đóng cửa) và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Năm nay, dịch Covid-19 đợt 4 quay lại và diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh thành phải phong tỏa, giãn cách, thu nhập người dân sụt giảm và thắt chặt chi tiêu... khiến ngành bia rượu dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực và chưa thể sớm phục hồi. Triển vọng thị trường kém sáng sủa khiến cổ phiếu ngành bia rượu liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay.