Đó là một số thông tin được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sáng 28/2.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, hiện thị trường Trung Quốc đã đóng cửa. Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng nhất của Vietnam Airlines tại khu vực Đông Bắc Á đang giảm mạnh tần suất và số lượng khách hàng.
Từ ngày 24/2, Vietnam Airlines đã phải sơ tán các cán bộ, nhân viên không phải thực hiện khai thác nhiều về nước, số lượng nhân viên làm việc văn phòng đại diện của hãng tại Hàn Quốc chỉ duy trì con số tối thiểu.
Hãng bay quốc gia đang duy trì bay thường lệ tới Seoul và Busan với tần suất từ 6 chuyến bay/ngày, khai thác bằng máy bay Boeing 787 và Airbus 350, nay giảm xuống còn 4 chuyến bay/ngày và sử dụng máy bay Airbus 321.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines "Tình hình xấu chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không".
“Trước đây, chúng tôi đánh giá dịch Covid-19 xấu nhất kéo dài đến hết tháng 5 và sang mùa Hè dần dần phục hồi. Nhưng với tình hình hiện nay, khi học sinh, sinh viên nghỉ học thì năm nay hàng không cũng không còn cao điểm hè trong thị trường nội địa nữa. Hiện Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay, thì 40 chiếc phải nằm chờ”, ông Thành cho hay.
“Máy bay phải dừng hoạt động nhưng cũng không thể cho thuê vì dịch bệnh bùng phát mạnh. Chúng tôi đã tìm được nguồn đối tác châu Âu để cho thuê máy bay từ tháng 1, hai bên đã đàm phán và làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc máy bay, nhưng tuần vừa qua đối tác đã hủy thuê máy bay. Lý do là châu Âu cũng đang bị dịch bệnh nên khách đi lại giảm”, ông Thành cho biết thêm.
CEO Vietnam Airlines cũng báo cáo giải pháp tình thế của hãng: “Với lao động nước ngoài, trước mắt Vietnam Airline đã làm việc để phi công sẽ nghỉ không lương trong khoảng 2 tuần, đây là nhóm phi công có điều kiện riêng và mức lương cao; người lao động Việt Nam tại nước ngoài nghỉ khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Trực tiếp tại Tổng công ty, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương”.
Lãnh đạo Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì cho biết, trước đây Tổng công ty dự kiến kế hoạch lợi nhuận năm đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, thì nay ước sẽ giảm khoảng 80%.
“Các hãng hàng không thiệt hại 1 thì ACV thiệt hại 1,2-1,5 do nhiều dịch vụ của hãng đều suy giảm hoặc phải ngưng hoạt động”, lãnh đạo ACV cho biết.
Ngay ông lớn kinh doanh xăng dầu như Petrolimex cũng chịu tác động lớn. Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Tập đoàn xây dựng kế hoạch cả năm là 5.700 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó xăng dầu là 3.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận 2 tháng qua chỉ đạt 35 tỷ đồng, tháng 2 còn lỗ vì tiêu thụ hàng giảm mạnh, tồn kho lớn (áp lực bán hàng tồn giá cao).
Nhiều tập đoàn, tổng công ty khác như hóa chất, dầu khí đều chia sẻ những thông tin về tác động khó lường của dịch Covid -19, đặc biệt là e ngại về việc rất khó dự đoán tình hình tiếp theo của dịch bệnh.
Trước tình thế này khá nhiều giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh đã được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đề xuất. Đơn cử như việc sử dụng chéo sản phẩm dịch vụ của nhau; Chính phủ điều chỉnh chính sách thuế để các tập đoàn có thể xuất khẩu xăng dầu, phân bón; Điều chỉnh lãi suất và giãn kế hoạch trả nợ; Hỗ trợ hàng sản xuất trong nước cạnh tranh lành mạnh, giảm nhập khẩu…
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tập hợp các đề xuất kiến nghị của các tập đoàn tổng công ty để báo cáo và trình lên Chính phủ trong tuần tới.
“Đây cũng là thời điểm để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nỗ lực rà soát lại sức khỏe của mình, thể hiện bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, đảm bảo ổn định nền kinh tế”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.