Doanh nghiệp lo gián đoạn nguồn cung nguyên liệu từ Hàn Quốc vì Covid-19

Khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại, thì nỗi lo của không ít doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc thuộc các ngành sản xuất như điện thoại, điện tử, ô tô lại gia tăng, bởi dịch Covid-19 đang lây lan nhanh tại quốc gia này.
Sản xuất nhóm hàng điện tử tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc. Sản xuất nhóm hàng điện tử tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc.

Báo cáo về giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đã và đang quyết liệt thực hiện hai nhóm giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Thực tế, dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư và doanh nghiệp, đe dọa làm đứt gãy tiếp nguồn cung đối với các nhà sản xuất ở nhiều nước. Để ứng phó với diễn biến mới này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định quyết tâm, Chính phủ chỉ bàn tiến, chứ không bàn lùi và chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.   

Liên quan đến khả năng ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, vốn là quốc gia cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho các ngành sản xuất công nghiệp lớn, như: điện thoại, điện tử, ô tô... đang khiến các doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào tại đây không khỏi lo ngại.

"Thời gian qua, khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, các hãng sản xuất điện tử như Samsung hay LG ít bị ảnh hưởng vì nguồn cung nguyên liệu do nguồn cung chính vẫn từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung từ Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại thì nguồn cung của Hàn Quốc lại bắt đầu giảm do dịch bệnh và như vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất này", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Lo ngại của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở bởi sau Trung Quốc, Hàn Quốc là địa điểm nhập khẩu lượng nguyên liệu, máy móc nhiều tỷ USD cho ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 47,6 tỷ USD, chủ yếu là máy móc, linh kiện, điện tử, nguyên liệu dệt may, da giày...

Năm 2019, dù nhập khẩu chỉ bằng 99,4% của 2018 nhưng cũng vượt 47 tỷ USD.

Khi một thị trường có quan hệ thương mại lớn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những giải pháp để duy trì giao thương và đáp ứng nguồn đầu vào cho các ngành sản xuất là ưu tiên số 1.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lãnh đạo Bộ Công thương đã giao các đơn vị chức năng đánh giá những tác động của tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đến Việt Nam để sớm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện hai nhóm giải pháp đã đề ra. Cụ thể, với nhóm giải pháp ngắn hạn, hiện Bộ đang tập trung vào việc giải toả ách tắc hàng hoá tại các cửu khẩu, tránh gây gián đoạn nguồn cung đầu vào, xử lý việc các chuyên gia nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc…

Bên cạnh đó, nhóm giải pháp dài hạn là bám sát thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc ngày 26/2 đã công bố thêm 169 ca nhiễm virus Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 1.146.

Trong 169 ca nhiễm mới, 134 ca được ghi nhận ở Daegu và 19 ca ở tỉnh Gyeongsang Bắc, đây là hai ổ dịch lớn nhất ở nước này.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục