Nền tảng vững vàng
Tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10/2020 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ít biến động… Với dấu hiệu phục hồi từ quý III và tín hiệu khởi sắc trở lại từ các ngành chủ chốt, nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có chung dự báo, GDP năm 2020 tăng từ 2 - 3%, tạo nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021.
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS 2020) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 ngày 12/11, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định, nền tảng vững vàng từ kiểm soát tốt dịch bệnh cùng các chính sách thúc đẩy thị trường trong nước, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, thu hút các dòng vốn đầu tư…, sẽ là động lực, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể quay trở trở lại đà tăng trưởng 6%/năm trở lên, thậm chí đạt 10%.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam tăng trưởng cao so với các nước là do có những ưu thế và chính sách phù hợp trong giai đoạn vừa qua, bao gồm: ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng bền vững, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cải cách mạnh mẽ và ở vị trí trung tâm kết nối thị trường Trung Quốc với các nước ASEAN và các nước khác.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường được các nhà đầu tư quan tâm cùng với nhiều nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, do đó đang đứng trước cơ hội lớn thu hút làn sóng chuyển hướng và tái cơ cấu đầu tư dòng vốn từ các tập đoàn đa quốc gia.
“Vừa qua, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam”, ông Hoàng cho biết. Đây là tiền đề thuận lợi để tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong năm 2021.
Nhiều ngành như sản xuất thép, da giày, thủy sản, chăn nuôi, chế biến thực phẩm tiếp tục có cơ hội tăng trưởng trong quý IV/2020
Ngành logistics được coi là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam nhấn mạnh, ngành logistics có vị trí đặc biệt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để nâng cao năng lực ngành logistic, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng lạnh, tự động hóa trong quản trị kho hàng, trong đó mảng logistics đô thị cần đẩy mạnh ứng dụng số hóa. Hiện nay, khoảng 40% doanh nghiệp logistics đã áp dụng chuyển đổi số, chẳng hạn, tại cảng Cát Lái áp dụng khai quan và các dịch vụ khác hoàn toàn điện tử.
Nhiều ngành có triển vọng sáng
Bộ Công thương dự báo, ngành sản xuất thép, da giày và chế biến, chế tạo có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng trong quý IV và trở lại đà tăng tích cực trong năm 2021 khi nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao.
Với ngành sản xuất giày dép, sau khi suy giảm mạnh vào quý II, từ quý III/2020 tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dần phục hồi. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, đơn hàng chưa nhiều do các nhà nhập khẩu còn thận trọng, sức mua của thị trường còn yếu do thị trường nhập khẩu chính mặt hàng da giày của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Hiệp định này sẽ tạo động lực cho ngành giày dép, túi xách tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2020 và những năm sau đó. Bên cạnh đó, quý IV/2020 là thời gian diễn ra nhiều lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.
Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành sản xuất thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Ngành công nghiệp ô tô cũng có nhiều cơ hội phục hồi khi thị trường ô tô bắt đầu vào mùa cao điểm cuối năm. Sau khi thực hiện các chiến lược giảm giá xe ở tất cả các phân khúc, một số hãng xe đã rục rịch tăng giá trở lại chuẩn bị cho dịp mua sắm sôi động cuối năm.
Các ngành thủy sản, chăn nuôi, chế biến thực phẩm có thể duy trì đà hồi phục khi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu thường gia tăng vào cuối năm. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ sự phục hồi nhu cầu tại một số thị trường nhập khẩu, xuất khẩu tôm và cá tra dự kiến sẽ gia tăng trong quý IV/2020 và năm 2021. Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, nhu cầu nhập khẩu cá tra có xu hướng tăng giúp nâng giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long kể từ giữa tháng 10/2020.
Với lĩnh vực xuất khẩu tôm, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường EU đang tăng trở lại, đặc biệt trong phân khúc bán lẻ chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm, nên dự kiến hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực.
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lãi lớn
Đóng góp vào chủ yếu vào mức tăng trưởng 3,6% của chỉ số sản suất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 so với tháng 9 và cao hơn 5,4% so với cùng kỳ năm trước là sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kết quả kinh doanh quý III/2020 của hàng loạt doanh nghiệp đã báo hiệu sự phục hồi này, trong đó nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống ghi nhận lợi nhuận tăng cao.
Lĩnh vực thép dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khiến sản lượng và tiêu thụ giảm sút trong trong nửa đầu năm, nhưng xuất khẩu phôi thép sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác tăng mạnh, góp phần bù đắp khó khăn cho các doanh nghiệp. Tình hình tiếp tục khả quan trong quý III, nhờ đó, không ít doanh nghiệp thép có lợi nhuận tăng trưởng cao.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu trong quý III/2020, tăng 62,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2019, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 1 quý cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, HPG đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019.
Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận doanh thu quý III tăng 6%, đạt 1.151 tỷ đồng, lãi sau thuế 26,7 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp, doanh nghiệp có lãi sau chuỗi 8 quý thua lỗ.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2019-2020 (từ 1/7 đến 30/9/2020) với lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ; lũy kế cả niên độ từ tháng 10/2019 đến hết tháng 9/2020 đạt 1.151 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ niên độ trước.
Trong lĩnh vực khai thác than, Công ty Than Núi Béo - Vinacomin đạt đạt 153 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2020, trong khi 6 tháng đầu năm lỗ 44 tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, bia rượu, đồ uống cũng ghi nhận sự phục hồi khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2020 như Dabaco, Masan, CP, Hòa Phát, Habeco, Sabeco…