Nhiều kiến nghị nóng của các doanh nghiệp hàng hải và đường thuỷ

0:00 / 0:00
0:00
Gần 200 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước đã tham dự Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa năm 2024 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức vào chiều 22/3 tại TP.HCM.
Nhiều kiến nghị nóng của các doanh nghiệp hàng hải và đường thuỷ

“Bộ GTVT sẽ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hàng hải và vận tải thuỷ nhằm chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định trước lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ và kinh doanh logistics tham dự Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Hội nghị là cơ hội để Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan, chính quyền các địa phương ghi nhận các ý kiến đề xuất, các sáng kiến của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng cảng biển, vận tải, dịch vụ logisitcs, phát triển đội tàu vận tải.

Đáp lời kêu gọi của người đứng đầu ngành GTVT, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ đã đề xuất hàng loạt kiến nghị nóng với mong muốn khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của 2 lĩnh vực vận tải này

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, hiện nay số lượng phương tiện vận tải thuỷ kinh doanh chuyên nghiệp trong toàn quốc chiếm tỷ lệ chưa cao, phần lớn là kinh doanh không thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu định hướng Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu định hướng Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong 3 năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5-2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000 tấn/chiếc. Tuy nhiên, bình quân một công ty tư nhân chỉ có 2-3 sà lan dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp tuy đông nhưng không mạnh, thậm chí còn tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đường thủy nội địa.

Từ thực tế trên, lãnh đạo Hội Vận tải thuỷ nội địa Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung danh mục phương tiện, Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp. “Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300 - 400 tỷ đồng là cao nhất”, ông Liêm cho biết.

Chia sẻ quan điểm nói trên, ông Vũ Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vận tải và xếp dỡ Hải An cho biết, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư tàu hiện nay là vốn đầu tư lớn, lãi suất vay ngân hàng cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn. Chính vì vậy, ông Hải kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tốt hơn về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container, như: miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container hoặc thuê, mua container, tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển VN, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động.

Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.

Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn.km, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%). Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn.km tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách năm 2023 đạt 4.679 triệu lượt khách, tăng 12,3%; luân chuyển đạt 246,8 triệu HK.km tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường biển 7,3 triệu hành khách (tăng 21%), đường thủy 318 triệu hành khách (tăng 21,1%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 45 triệu hành khách.km tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hành khách đường thủy tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều nước, thương mại toàn cầu yếu hay những căng thẳng ở Biển Đỏ và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa.

“Chính vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa để hỗ trợ tốt hơn các nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa là rất cần thiết”, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay kết cấu đường bộ dù đã cố gắng đầu tư, thị phần đường bộ chiếm 80% hàng hóa và gần 100% hành khách nhưng hệ thống đường thủy, hàng hải rất tốt ở cả ba miền thì chưa khai thác tối ưu. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mong muốn thời gian tới phải nâng tỉ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên, ít nhất là 50%.

Được biết, sau Hội nghị này, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo cho cho các đơn vị thuộc bộ thực hiện một số nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa.

Các cục quản lý chuyên ngành sẽ phải đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến trên tăng cao.

“Bộ GTVT sẽ xem xét nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá các loại thu thu đối với hàng hoá tại cảng biển, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục