Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo nặng nợ vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số công ty điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) có huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh đi xuống, hoặc thua lỗ.
Các doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Các doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.

Từ nhóm công ty thuộc Tập đoàn Xuân Thiện…

Tập đoàn Xuân Thiện là một trong những nhà đầu tư lớn vào mảng năng lượng, với hai cụm dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận và Đắk Lắk. Ngoài điện năng lượng mặt trời, tập đoàn này còn đầu tư thủy điện, với 20 dự án, tổng công suất 400 MW được phát triển cho tới nay.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương này vào tháng 3/2022, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện cho biết, Tập đoàn có hơn 80 công ty thành viên trong và ngoài nước, với tổng vốn điều lệ hơn 100.000 tỷ đồng, chuyên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, vật liệu xây dựng, tài chính ngân hàng và một số ngành dịch vụ khác. Hiện các công ty thành viên của Tập đoàn sở hữu nhiều nhà máy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, doanh thu hàng năm 20.000 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp, với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.000 MWac (tương đương 2.800 MWp). Giai đoạn 1 của dự án này gồm 4 nhà máy: Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3 và Ea Súp 5, tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2020. Giai đoạn 2 gồm 10 nhà máy, tổng vốn đầu tư 33.500 tỷ đồng, đang triển khai.

Cụm dự án này được triển khai trên khu đất có tổng diện tích khoảng 4.180 ha và được đánh giá là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Mới đây, một số công ty thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã công bố thông tin tài chính theo quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, Công ty cổ phần Ea Súp 1 cho thấy lợi nhuận đi xuống và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gia tăng.

Nếu như năm 2021, Ea Súp 1 lãi sau thuế 42,6 tỷ đồng thì năm 2022 chỉ ghi nhận khoản lãi 10,6 tỷ đồng, giảm 75,1% so với năm trước. Nửa đầu năm 2023, Công ty báo lãi sau thuế 15,5 tỷ đồng, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Ea Súp 1 cho thấy, vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm cuối tháng 6/2023 là 823,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 819,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ mức 1,91 lần lên 2,25 lần trong cùng thời gian, tương ứng với nợ phải trả hơn 1.853 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Công ty vào cuối quý II/2023 là 1,88 lần, gần tương đương mức 1,89 lần cùng kỳ năm trước.

Hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Ea Súp 3 cũng không mấy khả quan. Năm 2021, công ty này báo lãi 31,4 tỷ đồng, nhưng 2022 lỗ gần 3 tỷ đồng và nửa đầu năm nay lỗ 7,5 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Ea Súp 3 đạt 5.552,7 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,35 lần, tương đương nợ phải trả vào khoảng hơn 1.943 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Ea Súp 5 ghi nhận lỗ sau thuế 24,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước lãi sau thuế 33,5 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 1.067,7 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,14 lần, tương ứng số nợ phải trả khoảng 3.352,5 tỷ đồng.

Một báo cáo trước đó của Ea Súp 5 về tình hình kinh doanh năm 2022, được công bố ngày 12/4/2023 nhưng trình bày số liệu năm 2021, cho thấy, năm 2021, Công ty lãi sau thuế 551,2 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 33,9 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020. Tại thời điểm 31/12/2021, Công ty có 3.441,2 tỷ đồng nợ phải trả, trên quy mô vốn chủ sở hữu là 1.092,5 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 3,15 lần, tăng mạnh so với mức 2,19 lần vào cuối năm 2020.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động nguồn vốn lớn qua kênh trái phiếu để đầu tư cho các dự án điện mặt trời. Chẳng hạn, theo thông tin công bố tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8/2020, Ea Súp 1 đã phát hành 11 lô trái phiếu kỳ hạn từ 2 năm tới 12 năm, với tổng giá trị 1.630 tỷ đồng. Cũng trong tháng 8/2020, Ea Súp 3 phát hành 11 lô trái phiếu kỳ hạn từ 2 năm tới 12 năm, với tổng giá trị 1.630 tỷ đồng trái phiếu. Trong khi đó, Ea Súp 5 phát hành 11 lô trái phiếu trong tháng 6/2020, với tổng giá trị 2.390 tỷ đồng.

… Tới Điện gió Ia Pết Đak Đoa 1 và 2

Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một và Công ty cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai lần lượt là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện gió Ia Pết- Đak Đoa 1 và Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2. Đây là hai dự án được phê duyệt quy hoạch vào tháng 6/2020 và là hai nhà máy điện gió lớn nhất được xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo công bố tình hình tài chính mới nhất của Công ty Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một, vốn chủ sở hữu của Công ty tại ngày 30/6/2023 đạt 518,3 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả ở mức 3.343,4 tỷ đồng, gấp 6,45 lần vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu là 416,7 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm 2023, Công ty báo lỗ 71 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lỗ 160,4 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, kết quả này đi xuống mạnh so với số lãi 7 tỷ đồng trong năm 2021.

Tình hình tại Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai cũng tương tự. Công ty báo lỗ 75 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, cùng kỳ năm ngoái lỗ 154,4 tỷ đồng. Cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty còn 466 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Công ty có 3.261,6 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 6,99 lần vốn chủ sở hữu.

Nửa đầu năm, dư nợ trái phiếu của Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai giảm từ 448 tỷ đồng về 403,2 tỷ đồng. Tuy nhiên do thua lỗ, vốn chủ sở hữu giảm, nên tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Công ty tăng từ 0,76 lần vào cuối quý II năm ngoái lên 0,86 lần vào cuối quý II năm nay.

Kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hơn 4 lần.

Các trái phiếu này thường có lãi suất cố định ở mức cao trong thời gian đầu, sau đó thả nổi theo lãi suất tham chiếu. Trong bối cảnh lãi suất ở mức cao, các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nguồn lực để thanh toán lãi và gốc các lô trái phiếu huy động.

Thời gian qua, không ít chuyên gia phân tích đã lên tiếng cảnh báo về việc chi phí tài chính ăn mòn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo.

Chẳng hạn, theo Công ty Chứng khoán ACBS, sau khi chạy thử mô hình tài chính cùng một số giả định với nhóm 34 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 3/2023, tổng chi phí lãi vay và nợ gốc trong kỳ lên tới gần 10.000 tỷ đồng, trong khi EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) chỉ đạt quanh mốc 9.000 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có dòng tiền âm trung bình hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng, chưa kể đến các chi phí khác như sửa chữa và bảo dưỡng, trượt giá, thuế và lạm phát.

Kết quả trên còn chưa xét tới biến động của tỷ giá USD/VND, được dự báo sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực tới các khoản vay nợ bằng USD để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Theo đó, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang có mô hình tài chính không ổn định trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá chưa hạ nhiệt về dài hạn.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục