Đầu tư bền vững vào năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 5/2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, mở ra một chương mới cho ngành điện, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo, dù có những thách thức lớn cần sớm hóa giải.
Đầu tư bền vững vào năng lượng tái tạo

Cú huých tăng trưởng bền vững

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên 73,78 GW; tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu công suất chiếm 50,3%, mặc dù tỷ trọng thủy điện ước tính giảm từ 30% xuống 20% do tiềm năng còn ít; điện sản xuất từ nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 36%. Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo là gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện.

Quy hoạch điện VIII đã loại bỏ khoảng 13.220 MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến, điện than sẽ đạt mức tăng trưởng kép 2% trong giai đoạn 2021 - 2030, sau đó giảm 1% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.

Trong khi đó, điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng kép đạt 26% và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Sang giai đoạn 2030 - 2050, tốc độ phát triển điện khí sẽ chậm lại, xuống 4% và chiếm 15% tổng công suất nguồn điện.

Còn điện gió sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Điện gió trên bờ có khả năng tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2021 - 2030 và 6% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất. Riêng điện gió ngoài khơi sẽ đạt 6.000 MW từ nay đến năm 2030, sau đó tăng trưởng 15% trong giai đoạn 2030 - 2050 và chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.

Đối với điện mặt trời, dù sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt năm 2020 - 2021, nhưng Chính phủ vẫn khuyến khích điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng thấp trong giai đoạn 2021 - 2030, sau đó tăng 13% trong giai đoạn 2030 - 2050 và chiếm 33% tổng công suất nguồn điện.

Quy hoạch điện VIII được nhận định sẽ tạo ra cú huých lớn cho ngành điện nói chung, điện năng lượng tái tạo nói riêng.

Nhu cầu vốn phát triển nguồn điện theo Quy hoạch Điện VIII.

Nhu cầu vốn phát triển nguồn điện theo Quy hoạch Điện VIII.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ Green Fund và Quỹ A+ cho biết, năm 2017, điện tái tạo cung cấp khoảng 6% trong tổng số điện của thị trường, năm 2020 khoảng 10% và định hướng đến năm 2030 là đạt 36%. Với tiềm năng phát triển lớn như vậy, ông Hoàng khuyến nghị đầu tư vào ngành điện tái tạo.

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, khi các nguồn năng lượng truyền thống đang trong quá trình cạn kiệt dần, việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng, sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời sẽ hiện thực hóa các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu (đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050).

Hóa giải thách thức

Mùa hè năm 2023, khu vực phía Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, khiến câu chuyện khai thác thế mạnh của năng lượng tái tạo trở nên nóng hơn. Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng điện ở miền Bắc tăng cao, trong khi điện năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam. Việc phát triển lưới điện chưa theo kịp sự phát triển của nguồn điện gây mất cân đối cung - cầu vào nhiều thời điểm, gây khó khăn trong điều độ vận hành, làm nghẽn lưới truyền tải, buộc phải cắt giảm không ít nguồn điện khác.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã mở ra kỳ vọng rằng, những thách thức trên sẽ sớm được hóa giải, cụ thể là tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện lớn, đồng thời giải quyết các khó khăn về giá và chính sách liên quan đến điện mặt trời và điện gió.

“Quy hoạch điện III sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới, điều này rất quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới truyền tải và xây dựng hệ thống truyền tải điện”, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất, truyền tải và phân phối thì doanh nghiệp đầu tư chủ yếu ở khâu sản xuất, chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện. Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi yếu tố giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại.

Với điện năng lượng tái tạo, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư tham gia vào phát triển dự án điện mặt trời, điện gió, nhưng chưa được đấu nối truyền tải, phân phối vì nhiều lý do, trong đó giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm đã hết hiệu lực, còn cơ chế giá điện chuyển tiếp không hấp dẫn.

Giới phân tích cho rằng, để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới thì cơ chế giá điện phải được ưu tiên hàng đầu. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào lợi nhuận kỳ vọng để xem xét đầu tư. Khi Việt Nam giảm dần tỷ trọng các dự án điện than bằng điện khí và năng lượng tái tạo thì sẽ có sự đánh đổi giữa giá mua điện và giảm khí thải.

Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời, nhưng có nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện.

“Việc đảm bảo đúng tiến độ các dự án lưới điện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nguồn điện sẽ phát triển rất nhanh”, VNDIRECT nhấn mạnh.

Tập đoàn Sơn Hà cho biết, doanh nghiệp đang nghiên cứu lắp pin lưu trữ để khi không bán điện được lên lưới có thể lưu trữ hoặc dành điện bán vào giờ cao điểm nhằm đạt được mức giá tốt hơn.

Hải Minh
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục