Nhận tin xấu, chứng khoán đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng của nhóm công nghệ và dự luật y tế mới thay thế Obamacare của ông Trump tiếp tục bị trì hoãn. Chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng của nhóm công nghệ và dự luật y tế mới thay thế Obamacare của ông Trump tiếp tục bị trì hoãn.

Trong phiên thứ Ba, các cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán mạnh với chỉ số nhóm ngành công nghệ giảm tới 1,7%, kéo các chỉ số chính thị trường chứng khoán Mỹ giảm, đặc biệt là Nasdaq.

Đà giảm còn được nới rộng hơn khi lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConell quyết định rời việc bỏ phiếu thông qua đạo luật chăm sóc sức khỏe mới thay thế Obamacare cho đến sau kỳ nghỉ của Thượng viện, ngày 4/7.

Việc chương trình đầu tiên của Tổng thống Trump là đạo luật chăm sóc sức khỏe bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các kế hoạch tiếp theo về kinh tế của ông Trump là đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thuế và cắt giảm thủ tục cho ngân hàng.

Dù vậy, nhóm ngành tài chính, ngân hàng lại là nhóm hiếm hoi tăng điểm trong phiên thứ Ba sau phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed rằng, bà không tin sẽ có thêm một cuộc khủng hoảng tài chính nữa xảy ra khi bà còn sống, phần lớn là nhờ cải cách hệ thống ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2009.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones giảm 98,89 điểm (-0,46%), xuống 21.310,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,69 điểm (-0,81%), xuống 2.419,38 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 100,53 điểm (-1,61%), xuống 6.146,62 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực lại giảm điểm do tác động từ thông tin nội khối. Cụ thể, phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi hôm thứ Ba hàm ý ECB sẽ công bố giảm các gói kích thích ngay trong tháng 9 tới khiến các nhóm ngành bị nhạy cảm với chính sách tiền tệ thắt chặt lao dốc.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,44 điểm (-0,17%), xuống 7.434,36 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 99,81 điểm (-0,78%), xuống 12.671,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 37,17 điểm (-0,70%), xuống 5.258,58 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 3 liên tiếp do đồng yên yếu, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng duy trì đà tăng nhẹ, thì chứng khoán Hồng Kông lại nhanh chóng đảo chiều sau phiên tăng tốt trước đó.

Chỉ số chính của chứng khoán Hồng Kông dù giảm nhẹ, nhưng thị trường đặc khu kinh tế này đã có phiên chao đảo hôm qua khi đà bán tháo diễn ra ồ ạt tại các cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng. Các cổ phiếu này đều giảm hơn 50%, thậm chí có cổ phiếu của China Jicheng Holdings mất 94%, trong khi Greaterchina Professional Services sụt giảm 93%.

Chỉ số S&P/HKEX GEM (Growth Enterprise Market) sụt giảm gần 10%, mức giảm lớn nhất trong gần hai năm

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 71,74 điểm (+0,36%), lên 20.255,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,90 điểm (-0,12%), xuống 25.839,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,75 điểm (+0,18%), lên 3.191,20 điểm.

Dù chịu áp lực từ những thông điệp thắt chặt tiền tệ của Fed và ECB, nhưng giá vàng đã hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ của đồng USD lao dốc. Trong phiên thứ Ba, chỉ số USDIndex mất tới 1,1%, xuống mức hơn 8 tháng.

Kết thúc phiên 27/6, giá vàng giao ngay tăng 2,2 USD (+0,18%), lên 1.246,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,5 USD/ounce (+0,04%), lên 1.246,9 USD/ounce.

Việc đồng USD lao dốc trong phiên thứ Ba cũng giúp giá dầu thô có được phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp với biên độ tăng lớn hơn trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 27/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,86 USD/thùng (+1,94%), lên 44,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+1,76%), lên 46,65 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục