Chứng khoán trái chiều, vàng, dầu duy trì đà tăng

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần qua, trong khi chứng khoán trái chiều do chịu tác động ngược chiều của các nhóm cổ phiếu lớn, thì giá dầu thô và vàng duy trì đà tăng tốt nhờ đồng USD giảm.
Chứng khoán trái chiều, vàng, dầu duy trì đà tăng

Chứng khoán Mỹ giằng co nhẹ trong phiên cuối tuần, có lúc tưởng chừng sẽ đóng cửa trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu tài chính. Tuy nhiên, về cuối phiên ngoại đã bứt lên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm ngay cả khi hàng loạt ngân hàng vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm vì một kết quả thấp hơn dự báo.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe cũng tiếp tục giảm sau khi tăng mạnh 2 phiên trước do những nghi ngờ về khả năng một dự luật y tế của đảng Cộng hòa để thay thế Obamacare khó được thông qua. Cụ thể, Thượng nghị sỹ Dean Heller trở thành thượng nghị sỹ thứ 5 của đảng Cộng hòa nói rằng ông sẽ không ủng hộ dự luật này.

Tuy nhiên, nhờ những phiên tăng vọt trước đó khi đảng Cộng hòa công bố dự luật trên, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe vẫn tăng 3,6% trong tuần qua.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones giảm 2,53 điểm (-0,01%), xuống 21.394,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,80 điểm (+0,16%), lên 2.438,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,57 điểm (+0,46%), lên 6.265,25 điểm.

Trong tuần qua, Dow Jones tăng 0,05%, S&P 500 tăng 0,21%, Nasdaq tăng 1,84%. Như vậy, dù mức tăng rất khiêm  tốn, nhưng Dow Jones vẫn có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, S&P 500 cũng duy trì đà tăng trong tuần thứ 2 liên tiếp, trong khi Nasdaq cũng hồi phục trở lại sau 2 tuần giảm trước đó.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần do sự yếu kém của nhóm cổ phiếu dược, y tế và khai khoáng.

Thứ Sáu tuần trước cũng là ngày kỷ niệm 1 năm người dân Anh bỏ phiếu chọn lựa rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu. Trong thời gian qua, các thị trường đã hồi phục trở lại nhờ những thông tin tích cực khác, nhưng chứng khoán Anh vẫn tỏ ra đuối hơn so với các thị trường khác khi thị trường này vẫn đang có những triển vọng u ám với nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,16 điểm (-0,20%), xuống 7.424,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 60,59 điểm (-0,47%), xuống 12.733,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 15,81 điểm (-0,30%), xuống 5.266,12 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,53%, chỉ số DAX giảm 0,15%, chỉ số CAC 40 tăng nhẹ 0,05%. Như vậy, 2 phiên giảm cuối tuần đã khiến chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, ngoại trừ chứng khoán Pháp may mắn có được đà tăng nhẹ.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, tượng tự chứng khoán Âu, Mỹ các chỉ số chính của khu vực cũng không biến động nhiều trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ khi đồng yên ổn định, chứng khoán Hồng Kông vẫn giảm nhẹ do lo ngại sẽ bị cạnh tranh bởi chứng khoán Trung Quốc đại lục khi 222 cổ phiếu của chứng khoán đại lục được thêm vào rổ MSCI. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu này tăng mạnh giúp chứng khoán đại lục tăng điểm khá tốt trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 22,16 điểm (+0,11%), lên 20.132,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 4,48 điểm (-0,02%), xuống 25.670,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,42 điểm (+0,33%), xuống 3.157,87 điểm.

Chứng khoán châu Á với những thông tin tích cực trong tuần đã đảo chiều trở lại sau tuần giảm trước đó, riêng chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,95%, chỉ số Hang Seng tăng 0,17% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,11%, lấy lại hết những gì đã mất trong tuần trước.

Trong phiên cuối tuần qua, đồng USD giảm khá mạnh, xuống mức thấp nhất gần 1 tuần, hỗ trợ tích cực cho các hàng hóa được định giá bằng đồng USD, trong đó có vàng. Với sự hỗ trợ từ đồng USD, giá vàng đã có phiên tăng tốt cuối tuần để chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 23/6, giá vàng giao ngay tăng 6,6 USD (+0,53%), lên 1.256,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 7 USD/ounce (+0,56%), lên 1.256,4 USD/ounce.

Nhờ 2 phiên tăng cuối tuần, giá vàng đã chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 0,26%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 8 vẫn giảm 0,01%.

Với việc lấy lại đà tăng và nhận những thông tin tích cực, cả giới phân tích và chuyên gia đều đã có cái nhìn lạc quan hơn về xu hướng của giá vàng sau nhiều tuần thận trọng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 9 người, chiếm 53% đánh giá tích cực về giá vàng, cao hơn con số 43% của tuần trước; trong khi số người dự báo giảm và giữ quan điểm trung lập đều là 4 người, chiếm 24%. Trong tuần trước, số người dự báo giá vàng giảm lên tới 48% và tuần trước nữa là 61%.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 1.138 người tham gia. Trong đó, có 566 người, chiếm tỷ lệ 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, cao hơn con số 34% của tuần trước; 326 lượt, chiếm tỷ lệ 29% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều con số 57% của tuần trước và 246 lượt, chiếm tỷ lệ 22% giữ quan điểm trung lập.

Nhờ sự hỗ trợ bởi đồng USD giảm, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà hồi phục trong phiên cuối tuần qua, nhưng không đủ để giúp giá loại nhiên liệu này tránh khỏi tuần giảm thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 23/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,27 USD/thùng (+0,63%), lên 43,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,70%), lên 45,54 USD/thùng.

Như vậy, lo ngại về khả năng dư cung khiến giá dầu thô có tuần giảm thứ 5 liên tiếp với biên độ giảm mạnh hơn tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,87%, giá dầu thô Brent giảm 3,86%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục