Chứng khoán tiếp tục điều chỉnh, giá vàng, dầu thô hồi phục

(ĐTCK) Dù nỗ lực trở lại sau 2 phiên giảm, nhưng do áp lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán Mỹ vẫn chưa thể chưa lại, trong khi giá vàng và dầu thô hồi phục sau chuỗi giảm mạnh trước đó.
Chứng khoán tiếp tục điều chỉnh, giá vàng, dầu thô hồi phục

Sau 2 phiên giảm điểm, chứng khoán Mỹ đã nỗ lực phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu y tế sau thông tin đảng Cộng hòa công bố kế hoạch mới nhằm thay thế Chương trình Obamacare.

Tuy nhiên, về cuối phiên, Dow Jones và S&P 500 không giữ được sắc xanh do áp lực từ các nhóm lớn khác là ngân hàng, năng lượng và bán lẻ.

Về dữ liệu kinh tế, số liệu mới công bố cho thấy, số người thất nghiệp tuần trước của Mỹ đã tăng 3.000 lên 241.000 người, nhưng vẫn ở mức phù hợp với một thị trường lao động tích cực.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones giảm 12,74 điểm (-0,06%), xuống 21.397,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,11 điểm (-0,05%), xuống 2.434,50 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,73 điểm (+0,04%), lên 6.236,69 điểm.

Cũng do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán châu Âu cũng có phiên rung lắc mạnh trong phiên thứ Năm và tưởng chừng sẽ có phiên giảm thứ 3 liên tiếp như chứng khoán Mỹ, nhưng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu y tế, các chỉ số chính của khu vực này đã đảo chiều tăng điểm thành công.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,50 điểm (-0,11%), xuống 7.439,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,74 điểm (+0,15%), lên 12.794,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,67 điểm (+0,15%), lên 5.281,93 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ khi đồng yên mạnh lên so với đồng USD, trong khi chứng khoán Trung Quốc bị chốt lời và mất điểm cuối phiên sau khi tăng vọt lúc đầu do nhà đâu tư hào hứng với việc thị trường này vừa được MSCI thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi.

Việc chứng khoán Trung Quốc đại lục được MSCI thêm vào nâng hạng lên thị trường mới nổi khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông có chút e ngại cho vai trò của thị trường tại đặc khu hành chính này, nên chứng khoán Hồng Kông lình xình trong phiên và đóng cửa ít thay đổi.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 28,28 điểm (-0,14%), xuống 20.110,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 20,05 điểm (-0,08%), xuống  25.674,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,76 điểm (-0,28%), xuống 3.147,45 điểm.

Trong khi chứng khoán vẫn đang điều chỉnh, thì giá vàng có ngày tăng thứ 2 liên tiếp sau khi xuống mức thấp nhất 4 tuần. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do vẫn còn những lệnh bán chốt tài khoản tự động ngắn hạn.

Kết thúc phiên 22/6, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD (+0,3%), xuống 1.250,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 3,6 USD/ounce (+0,29%), lên 1.249,4 USD/ounce.

Sau khi xuống mức thấp nhất 10 tháng, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại trong cuối phiên thứ Năm. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn rất thận trọng với nỗi lo dư cung vẫn đang còn tồn tại, bất chấp OPEC và các nước sản xuất lớn khác thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 22/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,21 USD/thùng (+0,49%), lên 42,74 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng tăng 0,4 USD (+0,89%), lên 45,22 USD/thùng, có lúc giá đã giảm về mức 44,53 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục