Nhóm cổ phiếu công nghệ, yếu tố hỗ trợ cho Nasdaq duy trì chuỗi tăng điểm tốt trong tuần qua đã quay đầu giảm trong phiên đầu tuần mới với đà sụt giảm tại các đại gia như Microsoft, Amazon và Alphabet. Đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo Nasdaq đảo chiều giảm theo, trong khi Dow Jones và S&P 500 nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, tiện ích nên có được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones tăng 14,79 điểm (+0,07%), lên 21.409,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,77 điểm (+0,03%), lên 2.439,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,10 điểm (-0,29%), xuống 6.247,15 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chính của khu vực này đồng loạt tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi Italy đạt được thỏa thuận chấm dứt 2 ngân hàng yếu kém khu vực Veneto. Việc này có thể khiến thiệt hại 17 tỷ euro, nhưng chấm dứt được cuộc khủng hoảng dài hạn và phần tài sản tốt còn lại sẽ được Intesa Sanpaolo, ngân hàng bán lẻ lớn nhất Italy mua lại.
Thị trường châu Âu còn được hỗ trợ thêm nữa khi một cuộc khảo sát cho thấy, niềm tin kinh doanh của Đức bất ngờ tăng trong tháng 6, lên mức kỷ lục, một dấu hiệu mới cho thấy các nhà quản lý doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường bị hãm lại chút ít do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,67 điểm (+0,31%), lên 7.446,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,42 điểm (+0,29%), lên 12.770,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,63 điểm (+0,56%), lên 5.295,75 điểm.
Tương tự chứng khoán châu Âu, các thị trường chính của chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, lạc quan vào triển vọng kinh tế toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nhích bước và lên mức cao nhất 2 năm.
Chứng khoán Trung Quốc vẫn đang trong tuần trăng mật với thông tin được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi và thêm 222 cổ phiếu của thị trường này vào rổ chỉ số của mình.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản đại lục.
Kết thúc phiên 26/6, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,68 điểm (+0,10%), lên 20.153,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 201,84 điểm (+0,79%), lên 25.871,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,57 điểm (+0,87%), lên 3.185,44 điểm.
Trong khi chứng khoán đồng loạt tăng điểm, thì giá vàng đã lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 5 tuần sau khi hồi nhẹ trong 2 phiên cuối tuần trước. Tâm lý tích cực của nhà đầu tư gây áp lực lên giá vàng, vốn được xem là nơi trú ẩn cho những bất ổn. Ngoài ra, đồng USD hồi phục trở lại cũng là yếu tố gây áp lực lên giá vàng.
Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay giảm 12,1 USD (-0,96%), xuống 1.244,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 10 USD/ounce (-0,80%), xuống 1.246,4 USD/ounce.
Giá dầu thô có phiên tăng thứ 3 liên tiếp do lực cầu bắt đáy của nhà đầu tư khi giá loại nhiên liệu này giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng trong tuần qua. Tuy vậy, đà tăng không mạnh khi nỗi lo về gia tăng sản lượng của Mỹ và một số quốc gia khác vẫn còn đó.
Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,37 USD/thùng (+0,85%), lên 43,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,63%), lên 45,83 USD/thùng.