Trong phiên diễn biến thị trường giống như mấy phiên gần đây khi dòng tiền đầu cơ lướt sóng ngắn hạn tìm kiếm cơ hội ở các mã vừa và nhỏ, giúp nhiều mã trong nhóm này nổi sóng, nhưng do sự phân hóa của các mã lớn nên VN-Index chỉ giằng co nhẹ trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.
Tuy nhiên, về cuối phiên, với sự bứt lên của VHM, giúp VN-Index bật lên chạm dải trên của đường bollinger bands (1.070). Tuy nhiên, đây đang là ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số trong bối cảnh thiếu nhóm dẫn dắt như hiện nay, nên lần thứ 3 trong tuần, VN-Index bị đẩy lùi trở lại khi chạm ngưỡng kháng cự này.
Bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến giằng co trong biên độ hẹp vẫn duy trì khi thị trường không có nhóm nào đủ sức để dẫn dắt khi sự phân hóa diễn ra ngay trong mỗi nhóm. Dòng tiền vẫn hướng tới các mã vừa và nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như LDG, CIG, DXS, QCG, TDC của bất động sản, xây dựng, hay các mã đơn lẻ như AGM, HTL, SMA, THI, cặp đôi TCH-HHS, QBS…
Tuy nhiên, sau 1 giờ giao dịch của phiên chiều, nhiều nhà đầu tư lướt sóng T+ đã bắt đầu muốn hiện thực hóa lợi nhuận khi tài khoản có lãi, khiến nhiều mã quay đầu giảm, sắc xanh từ việc chiếm ưu thế trong phiên sáng đã ít dần đi, trong khi sắc đỏ nhiều dần lên và chiếm thế áp đảo, đẩy VN-Index đi xuống và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, dù mức giảm không quá lớn.
Chốt phiên, VN-Index giảm 5,47 điểm (-0,51%), xuống 1.060,44 điểm với 141 mã tăng (trong đó có 12 mã tăng kịch trần), trong khi số mã giảm lên tới 246 mã (nhưng chỉ duy nhất HBC giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 832,5 triệu đơn vị, giá trị 13.174 tỷ đồng, tăng 22,6% về khối lượng và 17,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 74,6 triệu đơn vị, giá trị 1.628 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, dù số mã giảm chiếu thế áp đảo, nhưng chỉ có duy nhất HBC là giảm sàn, 9 mã giảm từ hơn 4% đến hơn 6%, còn lại có mức giảm không đáng kể. Trong đó, HBC phiên hôm nay mở cửa tham chiếu và có lúc tăng khá tốt hơn 2%. Tuy nhiên, trong phiên chiều, sau thông tin HOSE đưa cổ phiếu này từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 (chỉ được giao dịch phiên chiều) do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, lực cung tháo chạy đã ồ ạt được tung vào, nhấn chìm HBC. Dù lực cầu khá tốt, nhưng trước lực cung quá lớn, HBC đã bị đẩy thẳng xuống mức kịch sàn 8.560 đồng và còn dư bán sàn. Thanh khoản đạt 14,11 triệu đơn vị, trong đó riêng đợt ATC khớp 1,12 triệu đơn vị.
Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ngoài HBC, còn có một số mã giảm khá mạnh khác như NLG giảm 4,5% xuống 31.650 đồng, DRH giảm 4,4% xuống 5.500 đồng, DXG giảm 3,8% xuống 13.950 đồng, SJS, NTL, KDH, ITC, KBC giảm hơn 3%. NVL cũng giảm 2,6% xuống 13.300 đồng, DIG cũng mất gần 1% xuống 20.800 đồng. Trong đó, DXG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 25,97 triệu đơn vị, tiếp đến là DIG 21,83 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu có thị giá thấp tiếp tục giữ sóng với LDG, DXS, QCG, UDC tăng kịch trần. Trong đó, LDG khớp 17,81 triệu đơn vị, DXS khớp 7,28 triệu đơn vị. Hay cặp đôi TCH - HHS cũng có liên quan tới bất động sản cũng giữ được nhịp tăng với HHS tăng kịch trần lên 4.810 đồng, khớp 10,48 triệu đơn vị, TCH tăng 6,8% lên 8.660 đồng, khớp 24,64 triệu đơn vị.
Một mã lớn trong nhóm là VHM dù hạ nhiệt so với phiên sáng, nhưng cũng giữ được đà tăng 2,3% lên 53.400 đồng, cản đà giảm của VN-Index. Các mã còn lại trong nhóm chỉ tăng khiêm tốn.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ có 3 sắc xanh nhạt tại HDB, SHB và VCB, còn lại đều giảm. Trong đó, có 3 mã giảm trên 2% là VPB, EIB, TPB, 3 mã giảm hơn 1% là TCB, CTG và STB. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 30,17 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường.
Nhóm chứng khoán thậm chí chỉ còn duy nhất VDS giữ sắc xanh, nhưng đà tăng hạn chế rất nhiều so với phiên mức trần của phiên sáng khi chỉ tăng 4,2% lên 11.150 đồng. Nhóm này có nhiều mã giảm mạnh trên 3%, trong khi các mã lớn của nhóm giảm nhẹ hơn. Cụ thể, SSI giảm 2% xuống 22.450 đồng, khớp lớn nhất nhóm 22,65 triệu đơn vị; HCM giảm 1,8% xuống 25.200 đồng, VND giảm 2,2% xuống 15.250 đồng, VCI giảm nhẹ nhất 0,62% xuống 32.200 đồng.
Nhóm thép sau tuần tăng tốt đã chịu áp lực chốt lời mạnh trong tuần này, đặc biệt là sau khi giá thép quay đầu giảm trở lại. Trong phiên hôm nay, HPG giảm 0,9% xuống 21.800 đồng, HSG giảm 1,9% xuống 15.500 đồng, NKG giảm 2% xuống 14.500 đồng. Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với 26 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB trên cả sàn.
Diễn biến sàn HNX cũng tương tự sàn HOSE khi lình xình trong 1 tiếng đầu của phiên chiều, sau đó bị đẩy dần xuống mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,76 điểm (-0,82%), xuống 212,86 điểm với 87 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119,7 triệu đơn vị, giá trị 1.650,8 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 21,8 tỷ đồng.
SHS vẫn là mã có thanh khoản vượt trội trên sàn này với 28,27 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% về giá, xuống 10.700 đồng. Sau mã có thanh khoản tốt tiếp theo cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ là CEO khớp 9,57 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,4% xuống 25.300 đồng; PVS giảm 1,1% xuống 26.400 đồng, khớp 6,47 triệu đơn vị; IDJ giảm 4,8% xuống 13.800 đồng, khớp 5,36 triệu đơn vị; MBS giảm 3,4% xuống 16.800 đồng, APS giảm 4,7% xuống 14.100 đồng, BII giảm kịch sàn xuống 1.100 đồng. Trong khi đó, 2 mã kế tiếp có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị là CVN và DL1 lại có khởi sắc về giá với CVN tăng kịch trần lên 3.700 đồng, DL1 tăng 7% lên 4.600 đồng.
UPCoM chỉ lình xình trong biên độ hẹp dưới tham chiếu suốt phiên chiều, đóng cửa giảm nhẹ hơn 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,11%), xuống 80,57 điểm với 149 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,9 triệu đơn vị, giá trị 640,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 67 tỷ đồng.
Hôm nay VHG vượt mặt BSR để trở thành mã có thanh khoản tốt nhất với 8,59 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,7% lên 2.800 đồng. Trong khi đó, BSR giảm 2,4% xuống 16.300 đồng, khớp 7,31 triệu đơn vị. C4G giảm 2,3% xuống 12.700 đồng, khớp 3,37 triệu đơn vị. SBS giảm 1,4% xuống 7.000 đồng, khớp 2,93 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều giảm nhẹ hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai (18/5) giảm 2 điểm (-0,2%), xuống 1.065 điểm với 171.730 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 37.430 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng tích cực là có nhiều mã có thanh khoản tốt trên 1 triệu đơn vị (6 mã) và chia đều cho 3 nhà phát hành chính là ACBS, SSI và HSC; các mã này cũng là chứng quyền của VHM, HPG và VPB (mỗi mã 2 chứng quyền).