Nhân sự ngành Dược, khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu

(ĐTCK) Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, công bố báo cáo về “Đặc thù trong tuyển dụng và môi trường làm việc trong ngành Dược và Thiết bị Y tế” (Trong Báo cáo gọi chung là ngành Dược). Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát 601 ứng viên và 43 doanh nghiệp trong lĩnh vực Dược và Thiết bị Y tế, thuộc cơ sở dữ liệu của Navigos Group.  
Nhân sự ngành Dược, khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu

Tình hình tuyển dụng và chân dung ứng viên ngành dược

Khi được hỏi về tình hình tuyển dụng, có gần 1/2 nhóm ứng viên quan sát và cho biết doanh nghiệp họ luôn trong tình trạng thiếu nhân sự.

Chia sẻ về các thách thức lớn nhất hiện nay khi tuyển dụng, lý lo lớn nhất chiếm đến 81% ý kiến của nhà tuyển dụng đó là “Khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu”. Lý do xếp hạng thứ 2 và thứ 3 chỉ chiếm khoảng 1/4 ý kiến, lần lượt là “Khó khăn trong việc kiểm tra năng lực của ứng viên”; và “Ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty vào cùng một thời điểm”.

Trong đó, các vị trí luôn có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại công ty dược đều liên quan đến khối thương mại, thị trường.

Cụ thể, 51% nhà tuyển dụng cho biết họ luôn có nhu cầu tuyển dụng Trình dược viên; tiếp theo là Quản lý kinh doanh khu vực, chiếm 30% ý kiến nhà tuyển dụng; Phát triển thị trường, Dược sỹ… xếp vị trí thứ 3, chiếm 23% ý kiến.

Báo cáo cũng chỉ ra top 3 các tố chất được ứng viên và nhà tuyển dụng nhất quán lựa chọn khi tuyển dụng lần lượt là: Đạo đức nghề nghiệp, Phù hợp về văn hóa doanh nghiệp, Nhóm kỹ năng giao tiếp (Diễn giải, Thuyết phục, Phản biện, Xử lý phản hồi…)

Bên cạnh đó, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng tiếp tục đồng quan điểm khi cho biết, thâm niên kinh nghiệm và chuyên môn nghiên cứu không quan trọng để đánh giá tố chất của nhân sự ngành Dược. Theo đó, hai yếu tố “Số năm kinh nghiệm làm việc trong ngành” và “Kinh nghiệm trong mảng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm” đều nằm lần lượt ở các vị trí cuối bảng xếp hạng, theo ý kiến của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.

Theo quan điểm của nhóm ứng viên, có đến 4/5 yếu tố liên quan đến cách thức tuyển dụng tại công ty nước ngoài được số đông các ứng viên đánh giá nổi trội hơn. Đó là: Quá trình tuyển dụng minh bạch và công bằng; Thảo luận về lộ trình thăng tiến; Quy trình tuyển dụng rõ ràng với các vòng nộp đơn, phỏng vấn; Sử dụng những phương thức kiểm tra đánh giá năng lực.

Ðối với yếu tố còn lại là Thông tin tuyển dụng rõ ràng và dễ tiếp cận thì được số đông ứng viên cho rằng cả công ty nội địa lẫn nước ngoài đều đang thực hiện tốt.

Mức độ gắn bó và chiến lược giữ chân nhân tài 

Mặc dù các chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành Dược khá hấp dẫn trên thị trường nhưng đây không phải lý do lớn nhất để ứng viên đến với nghề, theo đó chỉ có 23% ứng viên chọn lý do này. Trong khi đó, 43% ý kiến chọn “Muốn học hỏi để được làm việc trong ngành lâu dài” là lý do lớn nhất khiến ứng viên quyết định gắn bó với lĩnh vực này.

Nhân sự ngành Dược cũng thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định hơn khi có đến 1/2 cho biết họ sẽ ở lại trên 3 năm, trong đó 24% chọn sẽ ở lại từ 3 - 5 năm; 28% chọn sẽ ở lại trên 5 năm.

Khi được hỏi về các giải pháp “phi tài chính” (các yếu tố không liên quan đến lương, thưởng, phúc lợi) hiệu quả trong việc giữ chân nhân tài, đã xuất hiện sự khác biệt trong quan điểm giữa nhóm nhà tuyển dụng và ứng viên. 

Theo đó, nhóm ứng viên hiện đang ưu tiên “Linh hoạt thời gian và không gian làm việc” (61%) và “Các chương trình người cố vấn, người khai vấn trong nội bộ” (56%) ở vị trí thứ 2 và thứ 3.

Trong khi đó, hai yếu tố xuất hiện trong top 3 ưu tiên của nhóm nhà tuyển dụng, đó là “Ðẩy mạnh thương hiệu nhà tuyển dụng trên mạng xã hội, các trang thông tin” (chiếm 62%), và “Cơ sở vật chất trong văn phòng xanh – sạch – đẹp” (chiếm 57%). Hai yếu tố này chỉ có dưới 1/4 nhóm ứng viên lựa chọn.

Nhóm ứng viên cũng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn trong việc cải thiện các yếu tố đến từ nội bộ. Theo đó, yếu tố “Thiếu sự gắn kết giữa các nhân viên trong nội bộ” được 55% ứng viên lựa chọn cho vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, đối với nhóm nhà tuyển dụng yếu tố này nằm ngoài top 3 và cũng chỉ chiếm 22% ý kiến. “Văn hóa doanh nghiệp chưa rõ nét và có đặc trưng riêng” nằm ở vị trí thứ 3 theo quan điểm nhóm ứng viên chiếm tỷ lệ 47% ý kiến, tuy nhiên nhóm doanh nghiệp tiếp tục xếp yếu tố này nằm ngoài top 3 với tỷ lệ chỉ chiếm 24%.

Cũng theo báo cáo của Navigos Group, phía nhà tuyển dụng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố mang tầm chiến lược để cải thiện văn hóa doanh nghiệp. Theo đó, thách thức cần được giải quyết hàng đầu theo quan điểm nhà tuyển dụng là “Sự cạnh tranh thu hút nhân tài từ các công ty đối thủ” với 68% ý kiến, tuy nhiên yếu tố này chỉ chiếm 33% ý kiến của nhóm ứng viên và nằm vị trí cuối bảng.

Giải pháp liên quan đến phát triển con người cũng được nhà tuyển dụng đánh giá là giải pháp quan trọng cần tháo gỡ, theo đó họ xếp yếu tố “Chưa tập trung vào văn hóa đào tạo” trong nội bộ ở vị trí thứ 2, chiếm 35% ý kiến. Tuy nhiên, nhóm ứng viên cũng chỉ xếp yếu tố này nằm ở vị trí thứ 5.

Thách thức của đa thế hệ và chuyển đổi số

Có đến 86% nhà tuyển dụng cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thế hệ Y cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do vì sao chân dung thế hệ Y được doanh nghiệp khắc họa rõ nét nhất so với các thế hệ còn lại. Bên cạnh đó, thế hệ tiền nhiệm liền kề trước đó là thế hệ X cũng được nhà tuyển dụng mô tả kỹ lưỡng hơn so với các thế hệ Boomer (6X) hay thế hệ Z.

Theo đó, 5 yếu tố được nhiều tuyển dụng mô tả nhiều nhất về thế hệ Y, đồng thời các yếu tố này cũng đạt tỷ lệ đánh giá cao hơn các nhóm thế hệ còn lại, lần lượt là: Hiệu suất công việc tốt; Khả năng ngoại ngữ tốt nhất; Ðề cao thay đổi và sáng tạo; Quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; Ðề cao cân bằng công việc – cuộc sống. 

Khi được hỏi đâu là lợi ích lớn nhất khi có nhiều thế hệ đa dạng làm việc trong một công ty, phía ứng viên và nhà tuyển dụng có quan điểm khác nhau về lợi ích này. Theo đó, nhóm ứng viên cho thấy nhiều thế hệ cùng làm việc sẽ mang đến cho họ lợi ích nhất trong cách thực thi công việc, đó là “Nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề”.

Tuy nhiên, phía nhà tuyển dụng lại nhìn nhận lợi ích từ nhiều thế hệ đa dạng này mang lại có tầm chiến lược hơn, đó là “Giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về từng thế hệ để áp dụng trong dịch vụ khách hàng”.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng đồng quan điểm về thách thức từ đa thế hệ đem lại đó là “Khác biệt trong phong cách làm việc”. Ý kiến này chiếm 80% quan điểm từ nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.

Khi được về những giải pháp trong nội bộ đang áp dụng để tháo gỡ thách thức từ sự khác biệt giữa các thế hệ, giải pháp hàng đầu được các nhà tuyển dụng đang áp dụng nhiếu nhất là “Áp dụng mô hình tổ chức học tập để liên tục cập nhật và học hỏi từ tất cả các phòng ban và các nhân sự”, chiếm 41% ý kiến. Bên cạnh đó, gần 1/4 nhà tuyển dụng cho biết họ vẫn chưa có sự chuẩn bị nào để thích nghi với sự đa dạng về thế hệ trong nội bộ. 

Ngoài ra, nhân sự ngành Dược/Thiết bị Y tế còn cho rằng họ có nhận thức nhất định về kế hoạch chuyển đổi số của công ty.

Cụ thể, chỉ 17% ý kiến của ứng viên và 14% ý kiến của nhà tuyển dụng cho rằng công ty họ không áp dụng bất cứ chuyển đổi số nào. Số còn lại hầu như cho biết công ty đã có ứng dụng một phần hoặc toàn diện, bằng những công cụ khác nhau để hỗ trợ công việc hoặc cho mục đích nội bộ.

Tuy nhiên, nhóm ứng viên thể hiện sự lạc quan khi chia sẻ quan điểm chuyển đổi số không có tác động lớn với hơn 1/2 ý kiến cho rằng người lao động tại các nhà máy sản xuất mới là nhóm chịu tác động nhiều nhất.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục