Nhận định thị trường phiên 27/11: Vẫn có thể giữ cổ phiếu cao hơn tiền mặt

(ĐTCK) Trên đồ thị, VN-Index đang hình thành xu hướng giảm khá rõ, nên khả năng mốc 590 điểm giữ được không nhiều. Ngay trong phiên 27/11, BID có thể sẽ là một nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường, nhưng tâm lý sẽ dần ổn định lại trong nửa sau phiên giao dịch.
Nhận định thị trường phiên 27/11: Vẫn có thể giữ cổ phiếu cao hơn tiền mặt

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 27/11.

Tín hiệu hồi phục bền vững vẫn chưa xuất hiện trở lại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Ngưỡng 590 điểm của VN-Index tại thời điểm hiện tại có thể coi là ngưỡng cân bằng tạm thời quyết định xu thế thị trường trong ngắn hạn do trước khi VNM kéo VN-Index đi lên mốc 615 điểm, thị trường đã lình xình quanh vùng 588-590 điểm trong thời gian khá lâu. Do vậy, nếu VN-Index tiếp tục bị kéo xuống dưới vùng này, chỉ số có thể sẽ nhanh chóng hướng xuống vùng hỗ trợ thấp hơn tại 580-582 điểm trong ngắn hạn.

Sau phiên đảo chiều kỹ thuật ngày 25/11, thị trường quay trở lại trạng thái giảm điểm do chịu tác động từ áp lực điều chỉnh của hàng loạt mã lớn trong đó đáng kể nhất là VNM và BID. Tín hiệu hồi phục bền vững vẫn chưa xuất hiện trở lại, trong khi lượng margin trên thị trường vẫn đang ở mức cao và khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh là các yếu tố khiến rủi ro tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư do vậy nên tiếp tục thận trọng quan sát diễn biến dòng tiền tại vùng giá này.

Đà giảm sẽ không quá lớn

(CTCK BIDV - BSC)

Áp lực bán xuống không thực sự quyết liệt. Trong trường hợp khối ngoại không bán ra mạnh mẽ, và nhóm cổ phiếu bluechips vẫn giữ được giá, nhiều khả năng đà giảm của thị trường sẽ không quá lớn. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể cân nhắc mua vào trong các phiên điều chỉnh và chốt lời trong trường hợp VN-Index kiểm định không thành công ngưỡng kháng cự 600 điểm.

VN-Index vẫn mang xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn

(CTCK FPT - FPTS) 

Do nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn chưa có dấu hiệu dừng giảm nên nhiều khả năng xu hướng của VN-Index sẽ vẫn mang tính tiêu cực trong ngắn hạn. Phiên cuối tuần, nếu lực cầu tại mốc hỗ trợ không đủ mạnh để giúp VN-Index duy trì mốc 590 điểm thì rủi ro sẽ được tăng cường đối với các vị thế nắm giữ cổ phiếu ngắn hạn. Do đó, FPTS bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thực hiện đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp, hạn chế bắt đáy nhằm giảm thiểu rủi ro nếu vùng hỗ trợ dưới bị phá vỡ.

Có thể giảm mạnh xuống ngưỡng 585-590

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường điều chỉnh mạnh dưới sức ép của nhóm cổ phiếu lớn, tuy nhiên, mốc hỗ trợ mạnh 590 điểm vẫn được bảo toàn. Phiên cuối tuần 27/11, thị trường sẽ hồi phục nhẹ. Cụ thể, VN-Index có thể sẽ giảm mạnh xuống ngưỡng 585-590 điểm trong phiên 2, nhà đầu tư trading T+ có thể canh phiên này để mua vào, ưu tiên các cổ phiếu vừa và nhỏ có cơ bản tốt và thông tin kinh doanh tích cực, cuối phiên nhờ lực cầu hỗ trợ thị trường sẽ hồi phục lại và tăng điểm. Các nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn nên thận trọng và quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường trong thời gian tới.

Trạng thái thị trường đã trở nên tiêu cực hơn

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)         

Khi thị trường không đón nhận thêm bất kì yếu tố tích cực, tâm lý thị trường đã trở nên thận trọng hơn và điều này đã thúc đẩy các hoạt động chốt lời. Ngưỡng 590 đã cho thấy mức hỗ trợ đáng kể trong 2 phiên vừa qua. Dù vậy, ngưỡng 590-592 chưa thực sự vững chắc cho VN-Index có thể kéo dài hơn đà hồi phục.

Thay vào đó, VN-Index có thể sẽ test lại và củng cố ở vùng hỗ trợ thấp hơn tại 580-582 điểm, vùng có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% và đường MA200 trong những phiên giao dịch sắp tới. Như vậy, trạng thái thị trường đã trở nên tiêu cực hơn cho đến khi nhóm vốn hóa lớn ổn định trở lại.  

Khó giữ mốc 590

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

VN-Index lại một lần nữa chạm mốc 590 điểm trong bối cảnh hàng loạt cổ phiếu trụ tiếp tục sụt giảm. Nhóm Ngân hàng đang là tâm điểm giảm khi hầu hết các cổ phiếu đều suy giảm, trong đó BID có thể sẽ là tâm điểm phiên ngày 27/11. Thị trường vẫn được đánh giá là rất tích cực dù giảm mạnh, trong khi số lượng cổ phiếu giảm chiếm tỷ lệ lớn nhưng biên độ giảm không nhiều. Thanh khoản của thị trường vẫn ở mức độ tương đối khá nên dòng tiền vẫn duy trì sự ổn định.

Thực tế thì nhóm cổ phiếu lớn chưa hết đà suy giảm, ngay cả VNM sẽ vẫn tiếp tục giảm, nhưng mức độ chậm hơn. Có thể chỉ có GAS và BVH sẽ bớt đi tác động xấu khi mua – bán đang yếu đi rõ rệt. Vì vậy, phân tích vào nhóm cổ phiếu lớn thì khả năng thị trường sẽ còn chịu ảnh hưởng ít nhất giữa tuần tới mới có cơ hội hồi phục. Trong quãng thời gian này, cho đến khi VNM và BID chạm đáy và cho tín hiệu tích cực thì nhiều cổ phiếu khác sẽ có những diễn biến trái ngược.

Trên đồ thị, VN-Index đang hình thành xu hướng giảm khá rõ, nên khả năng mốc 590 điểm giữ được không nhiều. Ngay trong phiên 27/11, BID có thể sẽ là một nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường, nhưng tâm lý sẽ dần ổn định lại trong nửa sau phiên giao dịch. Nhà đầu tư mạo hiểm có thể quan sát diễn biến của VNM và BID, 2 nhân tố tác động tiêu cực nhất để hành động khi nó quay đầu tăng giá.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Tương ứng với rủi ro tiếp tục điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, gây tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường chung, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị giữ tỷ trọng ở mức trung bình, tập trung ở nhóm cổ phiếu cơ bản và chưa tăng mạnh trong nhịp vừa qua. Hoạt động gia tăng tỷ trọng lên mức cao chỉ nên thực hiện khi thị trường cho các tín hiệu tích cực hơn cả về cả điểm số và thanh khoản.

Vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Phiên 26/11 ghi nhận mức rơi đáng kể của VN-Index, hiện chỉ số này đang thử lại vùng hỗ trợ quan trọng tại khu vực 590 điểm, vùng di chuyển của MA 50. Trong kịch bản tiêu cực, nếu vùng hỗ trợ này bị xâm phạm rõ rệt (trên hai phiên), xu hướng tăng ngắn hạn sẽ chính thức bị mất hiệu lực. Cho đến khi điều nêu trên xảy ra, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt nhưng không nên mạo hiểm với việc mở ra ồ ạt các vị thế mua mới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục