Xuất nhập khẩu: Đà giảm chậm lại
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến ngày 15/7 đạt gần 343,65 tỷ USD, vẫn giảm 14,9% so với cùng kỳ, nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn về đơn hàng xuất khẩu ở một số ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, từ đó thúc đẩy hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 178,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4%; cán cân thương mại xuất siêu 13,25 tỷ USD.
Nửa đầu tháng 7/2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với nửa cuối tháng 6 (trong đó, xuất khẩu đạt 13,81 tỷ USD, nhập khẩu 13,38 tỷ USD). Nhìn vào kết quả đó, vẫn thấy rõ khó khăn bao trùm hoạt động thương mại. Tuy nhiên, nhập khẩu đã tăng so với kỳ năm trước 5,5%, cho thấy đơn hàng dần được cải thiện, kéo theo nhu cầu về nguyên liệu tăng lên.
Mang về 44 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng thị trường giảm sức mua, nên hết tháng 7/2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đã thấy tín hiệu tích cực khi mức giảm 14% đã thấp hơn so với mức giảm 17% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Động lực cho xuất khẩu tăng tốc tiếp tục đến từ các dự án của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sắp đi vào hoạt động. Trong cuộc tiếp đón lãnh đạo Vitas hôm 21/7, ông Zheng Yang, Tổng giám đốc Công ty Weixing SAB (Trung Quốc) tiết lộ, một nhà máy sản xuất phụ kiện hàng may mặc xuất khẩu, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) của doanh nghiệp này sẽ đi vào vận hành cuối năm nay.
Xuất khẩu thủy sản cũng chứng kiến sự phục hồi nhẹ khi mang về gần 800 triệu USD trong tháng 6/2023. Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng, giúp xuất khẩu tăng, bù đắp sự sụt giảm hồi đầu năm.
Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III/2023. Hiện các doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, sản xuất các loại sản phẩm khô được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn, phù hợp với mức thu nhập thấp.
Hút nhà mua hàng về Việt Nam
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt 371 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Tính đến ngày 15/7/2023, dù chịu tác động từ suy giảm kinh tế thế giới, ngành sản xuất trong nước vẫn cung ứng lượng hàng hóa trị giá hơn 178,5 tỷ USD cho các thị trường toàn cầu.
Nguồn: Bộ Công thương
Trước sự suy giảm của thương mại hàng hóa toàn cầu tác động đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong nước, các bộ, ngành đã thiết kế nhiều chương trình, sự kiện nhằm kéo nhà mua hàng là các tập đoàn lớn từ Mỹ, EU, Nhật Bản… tới Việt Nam.
Mới đây nhất, Triển lãm quốc tế Vải, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp may 2023 (SaigonFabric Summer 2023) từ ngày 26 đến 29/7 đã quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại khu “Made in Vietnam”, gần 100 doanh nghiệp giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam, gồm sợi gai xanh của Tập đoàn Thiên Phước; vải in trên chất liệu đặc biệt của Công ty cổ phần Fadatech; vải từ tre, sợi sen và hạt cà phê của Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink…
Theo Vitas, thị trường nửa cuối năm chắc chắn sẽ ấm hơn đầu năm. Sự xuất hiện của sản phẩm được sản xuất xanh, giảm phát thải theo xu thế chung của các thị trường lớn như Mỹ, EU… tạo sức hút đáng kể với các nhà mua hàng, đặt trong bối cảnh cạnh tranh chung giữa các quốc gia xuất khẩu như Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng 9/2023, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh của Walmart, ông Avineesh Gupta sẽ dẫn đầu đoàn của tập đoàn bán lẻ đa quốc gia này tham dự chuỗi sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức.
Trước thềm chuyến đi này, “ông lớn” trong ngành bán lẻ Mỹ cho biết, Walmart sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính do các doanh nghiệp Việt cung cấp, bao gồm quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Lãnh đạo Walmart nhấn mạnh, sự ổn định trong chuỗi cung ứng của Walmart có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Điều này càng được minh chứng trong giai đoạn đại dịch và xung đột thương mại, địa chính trị toàn cầu.
Ngoài Walmart, nhiều tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… cũng sẽ “đổ bộ” Việt Nam. Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, một đoàn khoảng 50 doanh nhân do Thủ hiến vùng Flanders và Phó chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Bỉ dẫn đầu sẽ sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và tham dự chuỗi sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế nêu trên.
Ông Noriaki Koyama, Phó chủ tịch Fast Retailling - tập đoàn sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có Uniqlo, tiết lộ, các sản phẩm hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam đã được bán rộng khắp hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. “Thời gian tới, Tập đoàn sẽ ưu tiên tăng cường số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”, ông Noriaki Koyama cho biết.