Thời gian qua, một số ngành ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào, thưa ông?
Trong khoảng 6 năm trở lại đây, chúng tôi có cơ hội tư vấn cho nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tại thị trường Việt Nam ở 7 lĩnh vực: dược phẩm; chăm sóc sức khoẻ; mỹ phẩm; nông sản; giáo dục; khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng; năng lượng.
Những ngành này đã thay đổi rất rõ theo từng năm. Họ đã định hướng rất rõ ràng, tập trung, không đầu tư dàn trải. Nguồn nhân sự tốt hơn do doanh nghiệp đầu tư đào tạo nội bộ phù hợp với chiến lược phát triển của công ty. Nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược và tầm nhìn đúng về chuyên đổi kỹ thuật số và biết tận dụng big data. Đặc biệt, quan điểm về M&A đã khác, thay vì M&A do thiếu vốn, thì nay doanh nghiệp nhiều vốn vẫn có chiến lược M&A để tăng quy mô.
Những thay đổi này giúp nhà đầu tư dù muốn mua cổ phiếu, M&A hay bất kỳ hình thức đầu tư nào khác cảm thấy yên tâm hơn khi đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam.
Ông có những lưu ý gì cho các nhà đầu tư đang nung nấu ý định bước chân vào một thương vụ?
Tôi sẽ chia thành 2 nhóm.
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp đang muốn kêu gọi đầu tư. Nhóm này đã biết cách M&A nhiều hơn, biết huy động vốn thông minh hơn. Trong đó, vấn đề hậu M&A vẫn là những khác biệt về văn hoá kinh doanh từ tầm nhìn đến vận hành. Chủ doanh nghiệp trong quá trình đàm phán không phân tích và đưa ra những định hướng và giải pháp có thể xảy ra hậu M&A, khiến họ bị túng túng trong cách xử lý sau đó.
Thứ hai, đối với nhà đầu tư. Có nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư tài chính luôn tìm cách gia tăng giá trị doanh nghiệp, dẫn đến áp lực với doanh nghiệp đó rất khủng khiếp, đôi khi vô lý. Trước đây, nhóm này thường đầu tư vào bất cứ ngành nào, miễn sao đem được tiền về mà không hiểu về ngành kinh doanh của doanh nghiệp đó, nên thường đưa ra ý kiến không phù hợp. Điều này khiến chính họ cũng không giúp được gì cho doanh nghiệp ngoài tài chính.
Đối với nhóm đầu tư nước ngoài hiểu về ngành. Nếu trước đây họ bị áp lực phải đi mua doanh nghiệp vì muốn “tấn công” thị trường Việt Nam nhanh nhất, nhưng khi vào thường té ngửa vì nhiều điểm quá khác biệt.
Ông có nghĩ, nếu không có M&A, thương hiệu Việt khó xuất hiện trên thế giới?
Nhìn ở góc độ tích cực thì tôi đồng ý với quan điểm trên, M&A là cách nhanh nhất để thương hiệu Việt bước ra thị trường thế giới thông qua kênh phân phối của nhà đầu tư. Song ở góc độ tiêu cực thì chủ doanh nghiệp còn nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp đó trong quá trình đàm phán đã không phân tích và đưa ra kỹ những tình huống và giải pháp có thể xảy ra hậu M&A.
Họ nên thuê các nhà tư vấn giỏi, am hiểu ngành đó và tài chính tốt. Song cũng lưu ý là hiện các nhà tư vấn M&A vẫn chỉ chuyên làm sao mua, bán được giá tốt nhất cho hai bên, đóng được thương vụ sớm, chứ không mạnh về việc kết nối để hai bên sau đó làm tốt chiến lược cộng hưởng.
Theo ông, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý phải đánh đổi điều gì để đón dòng vốn tốt chảy vào nền kinh tế?
Tôi nghĩ, những điều Việt Nam được trong cuộc chơi này là nâng tầm được uy tín của quốc gia khi có rất nhiều nhà đầu tư bước vào, sẵn sàng đầu tư tiền, kiến thức, nhân lực. Ví dụ, trong ngành khách sạn cao cấp, các chủ đầu tư khi muốn bước chân vào Việt Nam bao giờ cũng hỏi xem có thương hiệu nổi tiếng nào đã có mặt ở đây? Nếu trên bản đồ đầu tư vào Việt Nam xuất hiện những thương hiệu nổi tiếng thì hiển nhiên Việt Nam đủ uy tín để thu hút các nhà đầu tư khác.
Người tiêu dùng sẽ có cơ hội được trải nghiệm với những sản phẩm mà nhà đầu tư đem vào thị trường.
Ngược lại, cái mất ở đây là doanh nghiệp trong nước không còn do người Việt làm chủ. Điều này đã xảy ra tương tự ở Nhật Bản, Mỹ, Canada khi doanh nghiệp bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ tại những nước này quản lý rất chặt, nên doanh nghiệp nước ngoài không thể làm bậy. Nếu Việt Nam không làm chặt sẽ biến thành nơi tiêu thụ hàng tồn kho cho những nhà đầu tư nước ngoài.