Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay?
Việt Nam là quốc gia mở cửa cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, rõ ràng là không chỉ doanh nghiệp Anh, mà doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới đều tỏ rõ sự quan tâm đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Trào lưu đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam không phải bắt đầu từ 1, 2 năm trước mà đã được hình thành từ cách đây 45 năm, khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập. Có thể thấy, các cơ quan, chính phủ cả 2 quốc gia đã và đang nỗ lực phát triển hơn nữa quan hệ đầu tư này.
Các doanh nghiệp Anh hiện quan tâm đầu tư đến những lĩnh vực nào tại Việt Nam và kế hoạch sắp tới ra sao?
Chính phủ Việt Nam đang tìm cách tăng thêm giá trị, chuẩn bị thật tốt cho Việt Nam để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, nền kinh tế tri thức, giàu kĩ năng, ưa sáng tạo vốn là những lĩnh vực thế mạnh của Anh quốc. Ðây cũng là những lĩnh vực rất tiềm năng, mở ra cơ hội để đẩy mạnh đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai bên.
Ông Christopher Jeffery.
Có rất nhiều thương hiệu lớn của Anh quốc hiện đang có mặt tại Việt Nam như Trường Quốc tế Anh (BIS), Ngân hàng Standard Chartered, GSK, HSBC… Những thương hiệu này đã hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu và vẫn đang tiếp tục thúc đẩy tích cực hoạt động đầu tư của mình tại đây. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh cũng đang tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, năng lượng tái tạo, thị trường vốn và tài chính, công nghệ cao và sáng tạo, thể thao… Chúng tôi có góc nhìn lạc quan về một tương lai tươi sáng cho các hoạt động đầu tư từ các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam.
Bên cạnh đầu tư trực tiếp, liệu các doanh nghiệp Anh có quan tâm đến hoạt động M&A, cũng như các cơ hội từ M&A tại Việt Nam?
Ngoài kênh đầu tư trực tiếp, phát triển các thương hiệu đã hiện diện của Anh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Anh quốc cũng đặc biệt quan tâm và sẵn sàng cùng đầu tư, hợp tác và phát triển các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam lớn mạnh hơn thông qua hoạt động M&A, từ đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Một trong những điểm mấu chốt là khi các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn nữa, hoạt động M&A với doanh nghiệp Anh sẽ có diễn biến tích cực hơn. Bởi các quan hệ đối tác, hợp tác giữa hai bên càng sâu rộng, thì hoạt động M&A càng sôi động.
Theo ông, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tăng sức hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư Anh, nhằm sớm hiện thực hóa cơ hội hợp tác đầu tư?
Tôi nghĩ rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những sức hấp dẫn riêng có. Ðiều quan trọng là Việt Nam cần thể hiện được những chuyển biến tích cực trong quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của mình, qua đó nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể, thúc đẩy việc đưa ra quyết định rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thị trường Việt Nam bắt buộc phải có sức cạnh tranh về tài chính mới tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cơ hội đầy tiềm năng tại lĩnh vực ngân hàng
Bà Tạ Tuệ Anh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng HSBC
Yêu cầu các nhà ngân hàng áp dụng chuẩn mực Basel II của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi các nhà băng nội địa phải tăng vốn. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thông qua M&A trong thời gian tới, nhất là khi việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam theo mô hình thành lập chi nhánh hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài ngày càng hạn chế, do quy định chặt chẽ của Chính phủ.
Diễn biến này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên bởi một mặt giúp các ngân hàng trong nước có nguồn lực tài chính để nâng vốn, đồng thời với kinh nghiệm và thế mạnh về năng lực quản lý rủi ro, sự tham gia của các tổ chức tài chính và nhà đầu tư đến từ Anh trong vai trò đối tác chiến lược sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam đi con đường ngắn nhất để hoàn thiện hệ thống và quản lý rủi ro hiệu quả.