Hứa hẹn kỳ tích mới về thu hút đầu tư nước ngoài

Ngay trong quý đầu năm 2019, đã có gần 11 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam. Một kết quả hứa hẹn rằng, Việt Nam sẽ có những kỷ lục mới trong thu hút FDI.

Thu hút FDI, điểm sáng của kinh tế quý I

Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội của quý đầu năm 2019 đã bắt đầu được công bố và dù chưa đầy đủ, nhưng gần như chắc chắn, thu hút FDI sẽ tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm.

Thông tin vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, thu hút FDI quý I/2019 đã đạt mức kỷ lục về giá trị vốn đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2019, tổng vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới con số 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quý I/2016, con số chỉ là 4,03 tỷ USD; còn quý I/2017 là 7,71 tỷ USD. Quý I năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 5,8 tỷ USD.

Phân tích một cách cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý đầu năm, cả vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Không khó để nhận ra, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I tăng kỷ lục phần lớn là do sức bật mạnh mẽ của vốn đầu tư gián tiếp. Và trong khoản vốn đầu tư gián tiếp này, chỉ riêng Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage đã có giá trị lên tới 3,85 tỷ USD.

Tuy nhiên, 10,8 tỷ USD vẫn là một con số đáng ghi nhận, cho thấy thị trường đầu tư Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Thêm nữa, việc trong 3 tháng đầu năm, đã có 4,12 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái cũng sẽ góp phần quan trọng tăng thêm năng lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Một thông tin thú vị khác, đó là trong tháng 3/2019, đã xuất hiện thêm hai dự án, tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, của nhà đầu tư Djibouti, một quốc gia ở Đông Phi, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên con số 131. Sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam rõ ràng ngày càng lan rộng.

Hứa hẹn những kỷ lục mới

Quý I/2019, thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt mức kỷ lục. Câu hỏi đặt ra là, liệu kỷ lục mới có được thiết lập trong năm nay, khi mà ngay quý đầu tiên, tình hình đã có vẻ “thuận chèo, xuôi mái”?

Câu trả lời là có, ít nhất nếu nhìn vào những dự án đang được “xếp hàng” chờ cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Lớn nhất trong số này, như Báo Đầu tư đã thông tin, chính là Dự án khai thác mỏ Cá Voi Xanh của Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ). Dự án này có vốn đầu tư dự kiến lên tới 4,6 tỷ USD; hay Dự án 500 triệu USD của Hana Micron (Hàn Quốc) tại Bắc Giang.

Ngoài ra, nếu cả Apparel Far Eastern và Meiko Electronics đều sớm được cơ quan chức năng Việt Nam “gật đầu”, thì vốn đầu tư tăng thêm vào Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Apparel Far Eastern đang làm thủ tục tăng vốn thêm 610 triệu USD, còn Meiko chuẩn bị tăng thêm 200 triệu USD.

Thêm vào đó, động thái trong những ngày gần đây cho thấy, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đang muốn tìm cơ hội đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, ông John Walker, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Macquarie Capital (Australia) trong cuộc làm việc mới đây với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã không giấu chuyện Tập đoàn “đã nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam”. Còn Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Đầu tư Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) Mohammed Ibrahim Al Shaibani cũng đã khẳng định sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Thông tin là rất tích cực cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lên tiếng cảnh báo việc dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2019 có nhiều biến động, chủ yếu do căng thẳng thương mại leo thang, có thể khiến các công ty đa quốc gia trì hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch đầu tư do môi trường đầu tư thiếu ổn định. Hoặc cũng có những sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi đó, dự luật cải cách thuế của Mỹ sẽ tiếp tục phát huy hiệu lực, kéo đầu tư về Mỹ.

Trong bối cảnh ấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ chịu tác động, nhưng là tiêu cực, hay tích cực - bởi Việt Nam được cho là “vịnh tránh bão an toàn”, phụ thuộc vào hành động của chính Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục