Lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư
Tại Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon tại Việt Nam” do Ðại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa phối hợp tổ chức, ông Gareth Ward, Ðại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam ngày càng tăng và Chính phủ đang có những sáng kiến để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Việt Nam cũng có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ðó là khí hậu ấm nóng, mặt trời hầu như chiếu quanh năm, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam. Năng lượng gió tại các vùng miền này cũng rất dồi dào. Về dài hạn, Việt Nam nên đầu tư hơn nữa về năng lượng tái tạo, thay vì đầu tư tập trung vào các nhà máy điện than.
Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy Pte. Ltd (chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà, Bình Thuận có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD), doanh thu và lợi nhuận của dự án đầu tư phụ thuộc rất lớn vào mức giá điện quy định và cơ chế giá điện gió mới là một ưu tiên đối với dự án điện gió trên biển.
Hiện dự án đang được khẩn trương triển khai, tuy nhiên, việc hoàn thành việc nối lưới và vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để được hưởng mức giá mua điện gió mới theo Quyết định ngày 10/9/2018 của Chính phủ là thách thức lớn.
Cũng theo ông Gareth Ward, cùng với nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và mặt trời, Việt Nam cũng nên cân nhắc thêm vai trò của khí gas như là một nguồn cung cấp bền vững cho sản xuất điện và phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Bởi đây là nguồn năng lượng sạch hơn so với điện than.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển đã hoạch định, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành biểu giá điện hỗ trợ cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối...
Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu... Với các chính sách và cơ chế hỗ trợ khá hấp dẫn này, đã và đang xuất hiện một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, đến cuối năm 2018, cả nước đã đưa vào vận hành 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.
Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018, có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.
Thông tin được Ðại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam tiết lộ, các doanh nghiệp hàng đầu của Anh về năng lượng mặt trời, điện gió và quản lý điện năng… hiện rất quan tâm đến tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và sẵn sàng hợp tác để cùng đạt được lợi ích.
Trông đợi tháo gỡ nhiều vướng mắc
Nhìn nhận có tiềm năng lớn, nhưng ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua đối mặt với nhiều bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất...
Ngoài ra, bất cập về cơ chế vay vốn, quy trình thủ tục phê duyệt dự án phức tạp cũng đang là những rào cản đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ðại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, hiện nay, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý đang làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
“Ước tính trên 90% dự án điện mặt trời đang triển khai xây dựng tại Việt Nam đều sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng trong nước. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư là chi phí lãi vay rất cao, từ 9,5 - 11%/năm, dẫn đến bào mòn lợi nhuận của nhà đầu tư”, đại diện quỹ này phân tích.
Theo khuyến nghị của Dragon Capital, nếu Chính phủ có thể cải thiện các vấn đề nền tảng, bao gồm hợp đồng mua bán điện, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề truyền tải điện, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và giải quyết tranh chấp thì sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận được dòng vốn vay nước ngoài với chi phí thấp hơn từ các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới khi mức lãi suất thấp hơn nguồn vay trong nước 4 - 5%/năm, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Liên quan tới cơ chế giá mua điện, việc điều chỉnh giá mua điện cũng là vấn đề khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Dragon Capital, giá mua điện mặt trời hiện tại là 9,35 cent/kWh là mức giá đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư vượt qua các trở ngại về phát triển dự án, tìm kiếm nguồn vốn vay thủ tục giấy tờ và rắc rối rủi ro trong các dự án gặp phải để đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời.
Tuy nhiên, nếu mức giá mua điện mặt trời giảm, theo dự thảo đang được Bộ Công thương xây dựng, thậm chí có khả năng thấp hơn mức giá mua điện than là chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.
“Với mức giá mới dự kiến đang xây dựng, chúng tôi đánh giá chỉ có thể khả thi với điều kiện nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng nước ngoài, vì nguồn vốn vay đó có tính dài hơi hơn và lãi suất hấp dẫn hơn, giúp chi phí phát triển dự án và chi phí sản xuất hạ xuống”, ông Huỳnh Ðình Hiệp, chuyên viên phân tích cấp cao Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định.
Chi phí đầu tư cho điện năng lượng tái tạo và điện than tương đương nhau
Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Cách đây 5 năm, đúng là vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo có cao hơn so với năng lượng than đá. Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo ngày càng rẻ đi. Vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo so với điện than đang tương đương nhau, trong khi năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và bền vững trong dài hạn. Trong tương lai, giá của điện tái tạo sẽ tiếp tục giảm, trong khi đó, giá của điện than đá không giảm nữa.
Do vậy, Việt Nam nên cân nhắc những lợi ích thu được từ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như những lợi ích tổng thể mà ngành công nghiệp năng lượng sạch này đem lại.
8 năm trước, Vương quốc Anh cũng phụ thuộc rất nhiều vào điện than, tương tự như giai đoạn hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi không dùng nhiều điện than nữa, mà tận dụng rất nhiều năng lượng gió. Với kinh nghiệm dẫn đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ điện gió, Chính phủ Anh sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới.
Việt Nam nên cân nhắc khai thác và thu hút nguồn đầu tư tài chính dồi dào từ tư nhân, bên cạnh đầu tư tài chính từ Chính phủ theo định hướng thu hút tài chính xanh, có nghĩa là đảm bảo những dự án xanh cũng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tương tự như đầu tư các dự án thương mại, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường. Và để thu hút nhiều nhà đầu tư, Việt Nam cần tăng thêm số lượng các dự án về năng lượng tái tạo.
Chính phủ có thể cân nhắc thu hút đầu tư cho năng lượng tái tạo thông qua những cơ chế hợp tác hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, công ty nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.