Cơ hội cho ngành năng lượng sạch

(ĐTCK) Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo lên khoảng 5% trong tổng nguồn cung điện vào năm 2020 và khoảng 11% nào năm 2050. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Cơ hội lớn

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) nhận định, tổng cầu năng lượng của Việt Nam đến năm 2025 dự báo tăng gấp đôi và đến năm 2030 tăng gấp ba so với năm 2018. Nhu cầu năng lượng tăng mạnh, nhưng nguồn cung bị hạn chế.

Hiện năng lượng điện hạt nhân chưa được đầu tư, thủy điện đã bị khai thác cạn kiệt, nhiệt điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…, nên khả năng tăng trưởng năng lượng điện từ các nguồn hiện hữu không còn cao. Năng lượng sạch được xem là một giải pháp hữu hiệu cho bài toán mở rộng nguồn cung năng lượng, bởi Việt Nam với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, tiềm năng cho điện mặt trời, điện gió, điện Biogas - năng lượng sinh ra từ các chất thải hữu cơ rất lớn.

Ngành năng lượng sạch tại Việt Nam được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QÐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, trong đó có những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà đầu tư.

Nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, số lượng dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch như điện mặt trời thời gian gần đây tăng mạnh. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, tính tới tháng 7/2018, đã có 83 dự án điện mặt trời được đăng ký, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 124.600 tỷ đồng.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam vừa qua, vấn đề phát triển năng lượng sạch rất được quan tâm. Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng sạch cho rằng, nếu chúng ta chỉ phát triển điện tập trung với các nhà máy lớn như nhiệt điện, thủy điện sẽ gặp phải vấn đề lớn về vốn đầu tư, cũng như mất chi phí lớn để truyền tải điện từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Thay vào đó, nên phát triển hệ thống điện phân tán.

Mỗi hộ gia đình hay mỗi cơ quan xí nghiệp có hệ thống điện có thể huy động khả năng phát điện của họ như phát điện bằng năng lượng mặt trời, điện gió quy mô nhỏ, điện biogas.

Thực tế, câu chuyện phát triển năng lượng sạch không chỉ nhận được sự quan tâm của Chính phủ, nhà đầu tư, mà cả từ phía người sử dụng (cơ quan, doanh nghiệp, người dân). Ðây là cơ hội rất lớn không chỉ cho nhà đầu tư vào dự án điện sạch, mà cả với các nhà cung cấp thiết bị pin năng lượng mặt trời cũng như thi công lắp đặt. 

Doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác dư địa thị trường

Là doanh nghiệp đầu tư mạnh vào ngành điện, thông qua công ty thành viên là CTCP Ðiện Gia Lai (GEC), Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió (bên cạnh 222 MW thủy điện và nhiệt điện 150 MW). Ðược biết, TTC đang triển khai giải pháp năng lượng sạch tại các khu nhà ở do thành viên Tập đoàn thực hiện.

Trong khi đó, SHE được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa sản phẩm máy nước nóng năng lượng mặt trời vào Việt Nam từ năm 2003 với các sản phẩm như máy nước nóng năng lượng mặt trời, bồn chứa nước bảo ôn, máy lọc nước RO, bộ máy lọc nước tổng, bể nước ngầm… Lãnh đạo doanh nghiệp này kỳ vọng, Công ty sẽ có những bước tiến xa hơn trên thị trường năng lượng sạch.

Hiện nhiều tập đoàn nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để khai thác thị trường năng lượng sạch. Khi được hỏi về bài toán cạnh tranh với những “ông lớn” ngoại quốc trong lĩnh vực này, ông Tân tự tin, Sơn Hà có cách đi riêng, chọn mô hình đầu tư phân tán, xã hội hóa bán hàng hỗ trợ gia đình, thay vì đầu tư tập trung nhà máy điện lưới.

Ðược biết, SHE đã bắt tay với Tập đoàn ASV, một trong hai tập đoàn sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn của Ấn Ðộ, để phân phối sản phẩm máy phát điện mặt trời trên mái nhà. Ngoài ra, Công ty đang trong quá trình đàm phán với đối tác đến từ Thụy Ðiển để phát triển dòng sản phẩm mới khai thác tiềm năng Biogas - biến rác thải thành khí gas.

Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của SHE, có thể thấy doanh nghiệp liên tục tăng trưởng trong 3 năm gần đây. Năm 2018, SHE đạt doanh thu 254 tỷ đồng (tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2017), lợi nhuận sau thuế 15,2 tỷ đồng (tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2017). Kế hoạch đến năm 2020, SHE đạt doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 38,3 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với kết quả đạt được năm 2018).

Thị trường năng lượng sạch và các sản phẩm phục vụ ngành này đang trở thành miếng bánh ngon các nhà đầu tư nhắm tới.             

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục