Bitcoin rớt giá 6% còn đồng Ethereum "bốc hơi" tới 10% trong cơn bán tháo rộng khắp vào ngày 24/9 sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các giao dịch tài chính liên quan đến tiền ảo là bất hợp pháp, kể cả những dịch vụ do các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 24/9 thông báo trên website của mình rằng các dịch vụ cung cấp giao dịch, khớp lệnh, phát hành mã token và phái sinh tiền ảo đều bị nghiêm cấm.
"Khi tuyên bố trên được đưa ra chưa đầy 2 giờ đồng hồ, tôi đã nhận được hơn chục tin nhắn, email, điện thoại từ những chủ sở hữu tiền ảo tại Trung Quốc. Họ đang tìm cách truy cập và bảo vệ tài sản tiền ảo của mình ở các sàn giao dịch nước ngoài và 'ví lạnh' (thiết bị phần cứng lưu trữ tiền ảo)", ông David Lesperance, một luật sư tại Toronto (Canada) chia sẻ với đài CNBC sau động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Luật sư Lesperance đánh giá động thái của Bắc Kinh là nỗ lực nhằm đóng băng tài sản tiền ảo để người nắm giữ không thể thực hiện bất cứ hành vi hợp pháp với chúng. "Cùng với việc đóng băng loại tài sản cực kỳ biến động như tiền ảo, tôi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc sẽ 'đề nghị' người nắm giữ tiền ảo chuyển đổi nó sang đồng nhân dân tệ điện tử theo giá thị trường cố định", ông Lesperance nói.
Động thái của Trung Quốc cũng được cho là nhắm vào các nền tảng giao dịch qua quầy (OTC) như OKEx, những nền tảng này cho phép người dùng ở Trung Quốc trao đổi tiền pháp định lấy tiền ảo. Về việc này, người phát ngôn OKEx nói trên đài CNBC rằng đơn vị đang theo dõi tin tức và sẽ có thông báo cụ thể khi đưa ra quyết định về các bước tiếp theo.
Còn luật sư Lesperance cho biết một số khách hàng của ông tỏ ra lo lắng về sự an toàn của bản thân. "Họ lo lắng về bản thân vì họ ngờ rằng chính quyền Trung Quốc biết rõ về các giao dịch tiền ảo trước đây của họ và họ không muốn trở thành 'Jack Ma' tiếp theo", ông Lesperance nói thêm. Vị luật sư này từng giúp nhiều khách hàng ra nước ngoài tránh thuế trong bối cảnh cuộc đàn áp tiền ảo gia tăng ở Mỹ.
Năm 2017, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu ngừng bán tiền ảo và tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền ảo vào năm 2019. Đến dầu năm 2021, Trung Quốc mạnh tay trấn áp các địa điểm khai thác tiền ảo, khiến một nửa hệ thống Bitcoin toàn cầu chìm trong bóng tối trong vài tháng.
Boaz Sobrado, một nhà phân tích dữ liệu fintech tại London cho rằng: "Thông báo (của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - BTV) không hoàn toàn mới và cũng không phải là một sự thay đổi trong chính sách". Nhưng động thái lần này của họ liên quan đến 10 cơ quan quan trọng khác, bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và Bộ Công an, nhằm thể hiện nỗ lực chung hơn nữa trong chính sách quản lý tiền ảo.
Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước của Trung Quốc cũng tham gia vào động thái lần này, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy việc thực thi pháp lý đối với tiền ảo sẽ được tăng cường.
Ông Mark Peikin, Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư tư nhân Bespoke Growth Partners cho biết: "Nhiều trong số các nhà đầu tư Trung Quốc, đã quay lưng lại với cuộc đàn áp mới nhất và lớn nhất của chính quyền Trung Quốc đối với giao dịch tiền ảo trong vài tháng qua, đến nay có thể không còn hiếu chiến nữa".
"Đến nay phần lớn các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ qua lệnh cấm bằng cách tách các giao dịch trên những nền tảng OTC trong nước hoặc đại lý nước ngoài, để đạt được thỏa thuận về giá giao dịch, và sau đó sử dụng các ngân hàng hoặc nền tảng fintech để chuyển nhân dân tệ để thanh toán", ông Mark Peikin cho biết thêm.
Tuy nhiên, do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường giám sát các giao dịch tiền ảo và gần đây họ yêu cầu các công ty fintech, bao gồm cả Ant Group, không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo. Cho nên, cánh cửa giao dịch tiền ảo đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đang hẹp dần.