Nhà đầu tư tổ chức khó tham gia thị trường phái sinh

(ĐTCK) Sau hơn một năm hoạt động, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn chiếm tỷ lệ gần 100% trên thị trường chứng khoán phái sinh. Khối công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư nước ngoài gặp vướng mắc khi tham gia thị trường này. 
Ảnh shutterstock Ảnh shutterstock

Một số vướng mắc

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kết thúc năm 2018, có 57.677 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 3,4 lần so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, thường xuyên chiếm trên 99% khối lượng giao dịch.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng ít nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường phái sinh, đại diện một công ty quản lý quỹ cho biết, do điều lệ hoạt động của các quỹ, cũng như quy định pháp lý hạn chế một số hoạt động đầu tư của các tổ chức này, nên các quỹ đầu tư trong nước gặp khó khăn khi tham gia TTCK phái sinh.

Cụ thể, điều lệ của các quỹ đầu tư được thiết kế cho các hoạt động đầu tư ở thời điểm TTCK phái sinh chưa ra đời. Bởi vậy, muốn tham gia đầu tư trên TTCK phái sinh, các quỹ cần sửa điều lệ. Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi điều lệ quỹ là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý theo hướng cho phép các quỹ đầu tư từng bước được đầu tư chứng khoán phái sinh với mục tiêu kiếm lời, chứ không chỉ dừng ở giao dịch để phòng ngừa rủi ro như hiện tại.

Ðược biết, cuối tháng 10/2018, UBCK đã xử phạt Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) 175 triệu đồng, vì đầu tư chứng khoán phái sinh. Sau quyết định xử phạt này, VFM giải trình: Công ty dùng vốn của mình để nghiên cứu, thử nghiệm giao dịch chứng khoán phái sinh nhằm chuẩn bị cho các giao dịch phòng vệ rủi ro bằng công cụ phái sinh của các quỹ do VFM quản lý. Do đây là nghiệp vụ mới được triển khai trên thị trường, nên không thể tránh được thiếu sót về mặt quy định…

Với khối nhà đầu tư nước ngoài, thống kê của HNX cho thấy, trong năm 2018, các nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 0,18% khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh toàn thị trường.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà tham gia TTCK phái sinh vì lo ngại rủi ro phát sinh trong quá trình kiểm soát tài khoản giao dịch. Nhà đầu tư ngoại muốn tài khoản ký quỹ đứng tên họ để thuận lợi trong việc giám sát, kiểm soát, nhưng không được đáp ứng, vì theo quy định, tài khoản này phải đứng tên công ty chứng khoán là thành viên bù trừ.

Với cơ sở nhà đầu tư như trên, theo góc nhìn của các chuyên gia, đây đang là thách thức lớn đối với nỗ lực triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai - Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Theo kế hoạch, sản phẩm này sẽ được triển khai trong quý I, chậm nhất là đầu quý II/2019 như dự tính của UBCK.

Thực tế, TTCK phái sinh thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch, nhưng đó là giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu. Sản phẩm này đơn giản, phù hợp với khẩu vị đầu tư của các cá nhân. Diễn biến giá hợp đồng này dựa trên chỉ số VN30, giá biến động nhanh và mạnh trong ngày, tạo cơ hội mua - bán hưởng chênh lệch giá liên tục. Theo đó, khi giá tăng thì nhà đầu tư mở vị thế mua, giá giảm thì mở vị thế bán, sau đó giao dịch đối ứng để đóng vị thế, chốt lời.

Trong khi đó, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số trái phiếu chính phủ dự kiến phức tạp hơn so với hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn, nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư cá nhân, mà phù hợp hơn với nhà đầu tư tổ chức.

Hiện nay, số lượng trái phiếu chính phủ phần lớn đang nằm trong tay khối ngân hàng thương mại, nên nhà tổ chức thị trường lẫn các chuyên gia dự báo đây là các tổ chức chủ lực tham gia giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu hiện hữu. Mặc dù vậy, cơ quan quản lý cần sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế giao dịch, chế độ kế toán…, cũng như có cơ chế khuyến khích các tổ chức tham gia TTCK phái sinh.

Sàn phái sinh có thêm nhiều tổ chức tham gia sẽ giúp thanh khoản thị trường cao hơn, qua đó mang lại nhiều thuế cho Nhà nước hơn. Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, bình quân mỗi phiên có gần 130.000 hợp đồng được giao dịch, khoản thuế thu nhập từ giao dịch chứng khoán phái sinh nộp cho Nhà nước ước đạt 800 triệu đồng/ngày. 

Cần phát triển nhà đầu tư tổ chức

Trong các quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ mới đây đều mở ra những định hướng lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK nói chung, thị trường phái sinh nói riêng.

Cụ thể, tại Nghị quyết 01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ đưa ra định hướng: đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh…

Còn tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế ngày 15/1/2019 nêu: “Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ; phát triển đầy đủ, đồng bộ TTCK phái sinh, cổ phiếu, trái phiếu, tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên TTCK và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp...”.

Từ định hướng mang tính mở đường trên, thị trường kỳ vọng, trong năm 2019, Bộ Tài chính, UBCK sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành hệ thống giải pháp mang tính tiếp sức, khuyến khích, chẳng hạn về thuế, phí nhằm phát triển nhà đầu tư tổ chức, để ngay trong năm nay sẽ gia tăng nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Các công cụ thuế, phí cần giúp nhà đầu tư cá nhân nhân nhận diện rõ nét rằng, họ đầu tư qua quỹ thì được hưởng các ưu đãi lớn về thuế, phí so với khi đầu tư trực tiếp. Ðây là kinh nghiệm mà nhiều thị trường quốc tế đã áp dụng thành công.

Nhằm gia tăng nhà đầu tư tổ chức, ý kiến từ công ty quản lý quỹ cho rằng, nhà quản lý nên xem xét nới lỏng quy định để từng bước cho phép các quỹ đầu tư được đầu tư chứng khoán phái sinh, thay vì chỉ cho phép giao dịch nhằm phòng ngừa rủi ro như hiện tại. Ðể kiểm soát rủi ro, trong thời gian ban đầu, UBCK có thể đưa ra quy định khống chế các quỹ chỉ được đầu tư một lượng vốn nhỏ trong tổng tài sản của quỹ.

Qua một thời gian triển khai, khi xét thấy hoạt động tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh của các quỹ được kiểm soát rủi ro tốt, thì tiếp tục nới dư địa cho các quỹ tham gia đầu tư theo thực tiễn phát triển của thị trường, đáp ứng mong muốn của các bên góp vốn đầu tư vào quỹ.

Ngoài ra, UBCK cần rà soát các quy định về cơ chế mở tài khoản, giao dịch hiện tại, tiết giảm thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK phái sinh, vốn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.     

Thái Lan triển khai nhiều giải pháp để phát triển nhà đầu tư tổ chức

Năm 2006, TFEX ra mắt sản phẩm đầu tiên với khối lượng giao dịch đạt 1.204 hợp đồng/ngày. Hơn 10 năm sau, năm 2017, TFEX có khối lượng giao dịch đạt 78,9 triệu hợp đồng/ngày.

Theo đó, TFEX có khối lượng giao dịch đứng thứ 26 theo xếp hạng của Hiệp hội Giao dịch hợp đồng tương lai (FIA). Sự tăng trưởng tích cực này nhờ cơ cấu nhà đầu tư hợp lý. Sau 13 năm phát triển, hiện cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK phái sinh Thái Lan khá cân bằng với tỷ lệ 50% là nhà đầu tư tổ chức (37% nhà đầu tư trong nước, 13% nhà đầu tư nước ngoài), 50% nhà đầu tư cá nhân. 
Để phát triển nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh liên tục cải thiện thanh khoản cho thị trường, từ đó thu thu nhà đầu tư ngoại tham gia, cùng với tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm mới, cung cấp thông tin đến nhà đầu tư toàn cầu, Thái Lan còn chú trọng thực thi các giải pháp cải cách về cơ chế, nhằm giúp nhà đầu tư ngoại dễ dàng tiếp cận thị trường. Trên TTCK phái sinh Thái Lan, giao dịch trực tuyến trở thành kênh giao dịch chính, chiếm khoảng 70% khối lượng giao dịch.

Giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức trong nước là tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm, khuyến khích họ sử dụng công cụ phái sinh cho hoạt động quản lý danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhà đầu tư có vai trọng quan trong phát triển TTCK phái sinh, nên TFEX và Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) phối hợp tổ chức đa dạng các khóa đào tạo cho các thành viên thị trường.

Chẳng hạn, chương trình đào tạo đội ngũ nhân viên tự doanh chứng khoán phái sinh chuyên nghiệp, đào tạo các tư vấn viên thành các nhà môi giới chuyên nghiệp…, qua đó góp phần phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Ông Chakkaphan Tirasirichai, Giám đốc Phòng Phát triển sản phẩm, Sở Giao dịch hợp đồng tương lai Thái Lan (TFEX).

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục