Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường

(ĐTCK) Chiến lược ưu tiên cho những phiên đầu tuần là quan sát sự phản ứng của chỉ số quanh khu vực 850 - 860 điểm, nếu dòng tiền quay trở lại thị trường và hấp thụ tốt lượng cung bán ra thì đó sẽ là cơ hội mở vị thế Mua (Long).
Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường

Các yếu tố nội tại trong nước ổn định, số liệu kinh tế 2018 tích cực và sự quyết tâm của Chính phủ trong năm 2019 rất cao, trong khi những yếu tố rủi ro từ bên ngoài đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu diễn biến này tiếp tục được duy trì thì đây được xem là nền tảng cho thị trường phái sinh hồi phục trở lại.

Thực tế, sự lan tỏa của thị trường đang có sự cải thiện, nhưng dòng tiền mua lên kém khiến nỗ lực hồi phục gặp trở ngại lớn.

Khối ngoại trở lại mua ròng

Các yếu tố vĩ mô trong nước tích cực và diễn biến thị trường quốc tế theo hướng lạc quan hơn là chất xúc tác chính khiến khối ngoại trở lại mua ròng. Theo đó, khối ngoại mua ròng hơn 740 tỷ đồng trong tuần vừa qua (tuần trước đó bán ròng 190 tỷ đồng).

Trong đó rổ VN30 được mua ròng hơn 580 tỷ đồng, cho thấy hoạt động mua ròng của khối ngoại chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn. Cách đây 2 tuần, trước khi chỉ số giảm, khối ngoại đã liên tục bán ròng, nên việc mua ròng trở lại trong tuần qua là một điểm cộng dành cho thị trường chung.

Diễn biến này xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, các chỉ tiêu kinh tế 2018 đều đạt được, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Cụ thể, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54% so với năm 2017. Thặng dư thương mại ở mức 7,21 tỷ USD, là kỷ lục xuất siêu từ trước đến nay. Vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái, đây là mức giải ngân kỷ lục trong vòng 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.

Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có bước tiến triển mới. Một phái đoàn của Mỹ sẽ tới Bắc Kinh trong tuần thứ hai của tháng 1 để đàm phán thương mại với phía Trung Quốc. Cuộc gặp tháng 1 sẽ là lần thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai phía kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng 12. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đình chiến thương mại 90 ngày.

Thứ ba, các thị trường quốc tế chứng kiến sự khả quan trở lại. TTCK Mỹ có những phiên hồi phục vào cuối tuần, giải tỏa rất nhiều áp lực tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu. Các TTCK châu Á cũng có những nhịp hồi theo chứng khoán Mỹ.

Chỉ báo S&P 500 VIX đo lường tâm lý nhà đầu tư đang có dấu hiệu tạo đỉnh, tức sự bi quan của nhà đầu tư đang chạm ngưỡng cùng cực. Còn chỉ báo VIX thị trường mới nổi cũng đang tạo đỉnh. Nhìn chung, mặt bằng của thị trường quốc tế đang có dấu hiệu cải thiện về mặt tâm lý, sức ép bán ra đang tạm thời bị chững lại.  

Chỉ số vào vùng quá bán nhưng dòng tiền vẫn kém. 

Xu hướng do bên cầm tiền quyết định

Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường ảnh 1

Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn. 

Hiện tại, các chỉ số tiếp tục có nhịp cắm xuống thủng vùng đáy cũ quanh mức 860 điểm nếu xét theo mức giá đóng cửa.

Xu hướng giảm tiếp diễn xu và càng lùi về vùng đáy cũ thanh khoản càng cạn kiệt, cho thấy lực bán ép xuống không còn nhiều. Các chỉ báo kỹ thuật về động lượng cũng đang tiếp cận vùng quá bán nên việc bên bán không còn nhiều nữa là điều dễ hiểu. Mặt khác, vấn đề quan trọng của thị trường trong bối cảnh hiện tại là do không có lực cầu tham gia.

Do đó, xu hướng thị trường trong tuần tới được quyết định bởi hành động của bên cầm tiền. Nếu bên cầm tiền quay lại thị trường thì quá trình tạo đáy sẽ diễn ra nhanh hơn. Còn tình trạng bên mua tiếp tục thận trọng thì sự ảm đạm có thể tiếp diễn.

Cung và cầu cân bằng

Cả đường cung và cầu đều có dấu hiệu hồi phục trong tuần vừa qua sau khi bị ép xuống vùng thấp.

Việc cầu quay trở lại mặc dù chưa nhiều, nhưng là điều đáng ghi nhận, vì dòng tiền đâu đó vẫn chấp nhận mua giá thấp. Tuy nhiên, đường cầu vẫn còn ở mức rất thấp, chưa đủ để tạo cú hích đảo chiều của thị trường.

Đường cung cũng có hiện tượng tăng theo đường cầu, điều này thể hiện ở lượng hàng kẹp găm giữ từ vùng giá cao đã được tái cơ cấu. Nhưng trạng thái tăng cao theo đường cầu không hẳn là diễn biến tốt vì lượng hàng này luôn sẵn sàng dội ra ngay khi chỉ số có nhịp hồi phục. 

Đà lan tỏa có dấu hiệu tạo đáy

Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường ảnh 2

Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10. 

Đà lan tỏa (màu xanh, biểu đồ Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10) có dấu hiệu tạo đáy bằng việc tăng trở lại vào những phiên cuối tuần, diễn biến này hàm ý độ rộng của thị trường lan tỏa ở các cổ phiếu trụ đang dần cải thiện trở lại.

Quá trình tạo đáy của đà lan tỏa đang diễn ra ở vùng quá bán (dưới 30%) cho thấy, mặt bằng giá của thị trường đang được chiết hấp dẫn ở mức có thể thu hút dòng tiền mới tham gia.

Mặc dù vậy, nền giá trung bình 10 phiên (màu đỏ) còn đang treo ở mức khá cao khoảng 30%, trong khi vùng hỗ trợ đáng tin cậy là quanh 20%, tức dư địa giảm của nền giá trung bình còn khoảng 10% nữa trên chỉ báo của HSC. 

Sự đảo chiều tiềm năng ở nhóm thực phẩm và ngân hàng

Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường ảnh 3

 Biểu đồ phân tích kỹ thuật Hợp đồng VN30F1901.

Thị trường đang mất trụ hoàn toàn, có tới 89% các cổ phiếu trong rổ VN30 đang trong trạng thái tiêu cực, dẫn đầu là Top 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất. Mặc dù, về mặt số lượng thì phần trăm cổ phiếu tiêu cực có sự sụt giảm so với cuối tuần trước đó (89% so với 93%), nhưng điều này chủ yếu là do sự cải thiện của các cổ phiếu có vốn hóa vừa. Cụ thể, ở chiều hướng tích cực, SAB, CTD hay SBT không phải là những cổ phiếu đủ lực để kéo thị trường.

Các nhóm ngành chủ chốt như: Ngân hàng, thực phẩm đồ uống và bất động sản đều đang ở trạng thái trung bình kém. Sự tích cực đơn lẻ của BID, HDB hay SAB chưa đủ để tạo cú hích cho thị trường.

Trong bối cảnh này, nếu có hiện tượng đảo chiều thì sự kỳ vọng tiềm năng có thể nằm ở các ứng viên như VNM hay MSN (nhóm thực phẩm và đồ uống) và VCB (nhóm ngân hàng). 

Thị trường biến động mạnh, cả 2 chiều đều có cơ hội như nhau

Thị trường phái sinh: Bên mua thận trọng là vấn đề chính của thị trường ảnh 4

Diễn biến các chỉ số. 

Những câu chuyện nội tại tích cực trong năm 2018 dường như không được thị trường phản ánh. Những rủi ro xuất phát từ bên ngoài vẫn còn hiện hữu khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bi quan và luôn duy trì quan điểm tái cơ cấu danh mục khi thị trường có nhịp hồi phục.

Với mặt bằng tâm lý và kỹ thuật như hiện tại thì trường hợp tích cực là chỉ số có nhịp tích lũy quanh vùng 850 - 860 để kiểm chứng sự hấp thụ của bên cầu có khỏe hay không, vì vấn đề hiện tại là bên cầm tiền vẫn tỏ ra quá thận trọng.

Do đó, chiến lược ưu tiên cho những phiên đầu tuần là quan sát sự phản ứng của chỉ số quanh khu vực 850 - 860 điểm, nếu dòng tiền quay trở lại thị trường và hấp thụ tốt lượng cung bán ra thì đó sẽ là cơ hội mở vị thế Mua (Long).

Vị thế Bán (Short) sẽ chỉ được cân nhắc khi chỉ số thủng vùng hỗ trợ 850 điểm (trên biểu đồ VN30F1901) với những thông tin tiêu cực xuất hiện cùng với đà giảm quay trở lại trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục