Nhà đầu tư (NĐT) trên cho biết, trong khoảng 2 tháng qua, thị trường cơ sở không có nhiều biến động, chỉ số chứng khoán tăng/giảm nhẹ trong hầu hết các phiên giao dịch.
Theo đó, giá cả trên TTCK phái sinh dao động trong biên độ hẹp, thậm chí hẹp hơn nhiều mức biến động trên thị trường cơ sở. Diễn biến này khiến rủi ro khi đầu tư chứng khoán phái sinh không cao như trước. Nguy cơ thua lỗ lớn, phải bổ sung tiền ký quỹ được giảm thiểu, nhưng cơ hội thu lãi đột biến hiếm khi xuất hiện.
Đáng chú ý, diễn biến giá chứng khoán phái sinh bây giờ không dễ phán đoán. Trong phiên, giá không “chạy” theo chỉ số cơ sở như trước, mà thường “đi trước đón đầu”. Nhiều khi, chỉ số VN30 đang tăng, nhưng giá hợp đồng tương lai lại giảm và ngược lại; hoặc chỉ số tăng ít, giá phái sinh tăng nhiều và ngược lại.
Do đó, để tăng khả năng thành công của thương vụ lướt sóng chứng khoán phái sinh, NĐT phải linh hoạt chiến lược đầu tư, nâng cao năng lực phán đoán tâm lý các NĐT khác, đặc biệt là phân tích động thái giao dịch của NĐT lớn.
NĐT tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, mức phí giao dịch mà công ty này áp dụng hiện là 6.000 đồng/hợp đồng (nếu giao dịch đóng/mở vị thế trong ngày với tổng khối lượng dưới 100 hợp đồng), thuế thu nhập khoảng 6.400 đồng/hợp đồng tại mức giá 980 điểm.
Thời gian qua, giá chứng khoán phái sinh có xu hướng tăng nhẹ theo đà tăng của chỉ số, nhưng trong phiên chủ yếu đi ngang, nhích lên vài lai rồi lại dịch xuống vài lai (1 lai bằng 0,1 điểm, tương đương 10.000 đồng).
Chênh lệch giá thấp và diễn biến giá khó lường là lý do cơ bản khiến thanh khoản giảm so với trước, sau khi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tăng tỷ lệ ký quỹ giao dịch từ 10% lên 13% kể từ ngày 18/7.
“Nhìn chung, diễn biến giá bây giờ trái với phán đoán thông thường và mức tăng/giảm không nhiều, cũng không kéo dài. Do đó, chỉ cần lãi 2 lai là tôi hiện thực hóa lợi nhuận.
Nếu tham lãi nhiều hơn, giá có thể quay đầu, dẫn tới thua lỗ”, NĐT nói và cho hay, một số công ty chứng khoán khác áp dụng mức phí 3.000 - 5.000 đồng/hợp đồng, nhưng anh vẫn thích hệ thống giao dịch của VNDIRECT. Tuy nhiên, trong thời gian tới, có thể anh sẽ cân nhắc chuyển sang giao dịch tại công ty có mức phí thấp.
Thực tế, đối với NĐT lướt sóng, phí giao dịch thấp là một lợi thế rất lớn. Bởi lẽ, chỉ cần giá thay đổi vài lai như dự đoán là NĐT có thể hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi các NĐT khác (có mức phí giao dịch cao hơn) phải chờ giá thay đổi nhiều hơn.
Cụ thể, với phí giao dịch 3.000 đồng tại mức giá 980 điểm thì thuế và phí cho một thương vụ lướt sóng là gần 19.000 đồng, tương đương 0,19 điểm, chỉ cần giá thay đổi 0,3 điểm như dự đoán là NĐT có lãi.
Một số NĐT khác cho biết, lướt sóng chứng khoán phái sinh giờ đây rất khó thành công, nếu cứng nhắc phân tích và tư duy theo cách “truyền thống” rằng, chỉ số tăng thì giá phái sinh sẽ tăng và ngược lại.
“Điều kiện thị trường, tâm lý giao dịch giờ đây thay đổi. Vì vậy, chiến lược đầu tư phải thay đổi. Tôi không mua đuổi, bán đuổi, mà canh bán khi thấy chỉ số/giá phái sinh tăng, canh mua khi thấy giá giảm và đóng vị thế ngay khi có lãi, dù rất nhỏ”, một NĐT tại Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) chia sẻ.
Theo NĐT này, VPBS áp dụng mức phí 3.000 đồng/hợp đồng, miễn phí giao dịch từ ngày 4/9 - 31/10/2018. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng áp dụng mức phí 3.000 đồng/hợp đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, trong gần hai tháng qua, tại công ty có rất ít trường hợp NĐT bị buộc phải đóng một phần vị thế để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ do thua lỗ.
Tuy nhiên, rủi ro thua lỗ trên TTCK phái sinh luôn ở mức cao, không ít NĐT thường xuyên thua lỗ vẫn mải mê lướt sóng hàng ngày. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường liên tục tăng.
Nhiều tài khoản được NĐT mở ra để tìm hiểu cơ hội, chứ chưa giao dịch, nhưng tỷ lệ tài khoản có giao dịch trong những tháng gần đây tăng mạnh. Trên toàn TTCK phái sinh đang có hơn 45.000 tài khoản, trong đó khoảng 1/3 là có giao dịch.
Hiện tại, phí giao dịch được các công ty chứng khoán hạ thấp nhằm cạnh tranh thu hút NĐT, nên giá chứng khoán phái sinh thay đổi vài lai là NĐT có thể đóng vị thế để hiện thực hóa lợi nhuận, thay vì phải chờ đợi giá thay đổi nhiều gấp đôi, gấp ba như trước.
“NĐT hiện nay có tâm lý năng nhặt chặt bị, trong bối cảnh có điều kiện để hiện thực hóa lợi nhuận sớm hơn và nguy cơ thua lỗ lớn ở mức thấp nên không vội vàng cắt lỗ khi thị trường biến động ngược dự đoán là nguyên nhân chính khiến giá chứng khoán phái sinh trong phiên thường có diễn biến lệch pha so với chỉ số cơ sở. Đặc biệt, động thái mua/bán của NĐT lớn có tác động không nhỏ đến tâm lý các NĐT nhỏ, dẫn đến giao dịch nhiều khi loạn nhịp”, vị trưởng phòng môi giới trên nhìn nhận.