Sản phẩm phái sinh thứ hai chính thức được phê duyệt
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng giao dịch chứng khoán phái sinh, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết như vậy tại Hội thảo “Triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP” do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), phối hợp với HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) tổ chức cuối tuần qua.
“Việc thiết kế sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP đã được HNX tiến hành từ năm 2014-2015. Khi đó, HNX dự kiến phát triển hai sản phẩm dựa trên tài sản cơ sở là TPCP có kỳ hạn 3 năm và 5 năm.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu cho thấy, sản phẩm dựa trên TPCP 3 năm khó khả thi, nên đến nay, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chuyên gia…, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phê duyệt Hợp đồng tương lai TPCP 5 năm…”, bà Hà cho hay.
Liên quan đến hình hài của sản phẩm phái sinh thứ hai, với tư cách là đơn vị thiết kế sản phẩm, đại diện HNX cho biết, Hợp đồng tương lai TPCP 5 năm có tài sản cơ sở là TPCP có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.00 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 1 năm/lần, trả gốc 1 lần khi đáo hạn.
Sở dĩ Hợp đồng tương lai TPCP chọn tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có đặc điểm như TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành là để hạn chế tình trạng mất thanh khoản; tỷ lệ hoán đổi minh bạch, công bằng; đồng thời không tác động bởi hoạt động mua bán, hoán đổi của tổ chức phát hành có thể xảy ra trên từng mã trái phiếu cụ thể…
Kinh nghiệm của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều sử dụng trái phiếu giả định làm tài sản cơ sở cho sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP.
Việc đưa vào giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP được nhìn nhận không chỉ thêm lựa chọn đầu tư mới, cung cấp công cụ phòng vệ rủi ro về lãi suất cho các nhà đầu tư, mà còn cung cấp chỉ báo cho thị trường về giá của trái phiếu trong tương lai, giúp ổn định và phát triển thị trường cơ sở…
Kỳ vọng nhiều, nhưng e ngại cũng không ít
Ý kiến từ nhiều nhà đầu tư cho rằng, Hợp đồng tương lai TPCP là sản phẩm họ trông đợi từ nhiều năm qua.
“Chúng tôi chờ Hợp đồng tương lai TPCP từ lâu…”, ông Phạm Phú Khôi, Phó tổng giám đốc VPBank, Trưởng Ban Đào tạo và sự kiện của VBMA cho biết như vậy, vì nhiều lý do.
Đầu tiên, đây là sản phẩm mà các ngân hàng thương mại có nhu cầu giao dịch để phòng vệ rủi ro cho danh mục TPCP lớn mà họ đang nắm giữ. Hiện các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 95% TPCP đang lưu hành trên thị trường.
“Trong bối cảnh lãi suất có nhiều biến động, điển hình như 1-2 tháng gần đây, thì nhu cầu giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP càng cấp thiết. Sau khi gần đây lãi suất TPCP Mỹ nhảy vọt khoảng 50 điểm phần trăm, đã khiến lãi suất nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường lân cận Việt Nam tăng theo và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Nhưng do chưa có công cụ để phòng vệ rủi ro, nên một trong những phương án mà các ngân hàng lựa chọn là bán ra trái phiếu. Điều này chẳng khác gì 'đổ thêm dầu vào lửa' bởi sẽ gây thiệt hại cho chính ngân hàng, nhưng họ chẳng có lựa chọn nào khác…”, ông Khôi nói.
Ngoài nhu cầu giao dịch cao từ phía các ngân hàng, đại diện VBMA dự báo, một số nhà đầu tư tổ chức khác cũng có nhu cầu tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP như các quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty bảo hiểm…
“Tôi được biết, đến nay, có 12 công ty chứng khoán và 7 ngân hàng được cấp phép hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh. Điều đó bước đầu định hình người chơi chính trên thị trường Hợp đồng tương lai TPCP có 19 thành viên...”, ông Khôi nói.
Là 1 trong 7 ngân hàng đến nay đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, ông Trần Kiều Hưng, Trưởng Phòng Tự doanh, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho hay, trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời thị trường chứng khoán phái sinh, BIDV đã sẵn sàng tham gia ngay khi Hợp đồng tương lai TPCP được triển khai.
“Chúng tôi có nhu cầu lớn về giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP để phòng vệ rủi ro lãi suất cho danh mục đầu tư TPCP lớn trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý cho bán khống.
Điều này xuất phát từ thực tế, theo ước tính của chúng tôi, chỉ cần lãi suất tăng 1% thì giá trị danh mục đầu tư TPCP của BIDV mất khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Ngoài ý nghĩa phòng vệ rủi ro, Hợp đồng tương lai TPCP còn là công cụ giúp nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng tham gia giao dịch…”, ông Hưng cho biết.
Bên cạnh sự ủng hộ, có không ít ý kiến quan ngại từ giới đầu tư bởi hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ như chưa có hướng dẫn về cách hạch toán kế toán đối với các tổ chức khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP; chưa có cơ chế về thuế, phí để khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn phát triển ban đầu…
Ngoài ra, ngân hàng thương mại có tài sản lớn và có nhiều lợi thế để đảm đương vai trò là nhà tạo lập thị trường, nhưng lại chưa được phép tham gia, trong khi công ty chứng khoán có tài sản nhỏ, tỷ trọng giao dịch cả trên thị trường thứ cấp lẫn sơ cấp không đáng kể lại được trao quyền làm việc này…
Cũng bởi những vướng mắc, khó khăn trên có liên quan nhiều đến lĩnh vực ngân hàng nên ông Nguyễn Quang Thương, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, Bộ Tài chính và Ủy ban đã lên kế hoạch làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng tham gia thị trường.
Tuy còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng về cơ bản, mọi công tác chuẩn bị cho triển khai Hợp đồng tương lai TPCP đến nay đã cơ bản hoàn tất, dự kiến trong quý IV này sẽ triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai.