Cuốn sách “Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế” của tác giả Nguyễn Đình Lương được nhận xét như một kho tàng kiến thức quý báu về hành trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) diễn ra căng thẳng và đầy cam go giữa Việt Nam và Hoa kỳ diễn ra trong 11 phiên chính thức kéo dài 5 năm (từ năm 1995 tới năm 2000) đã được Cựu Trưởng đoàn đàm phán Joseph Damond của Hoa Kỳ đề cập trong cuốn “Give Trade a Chance” (Cho thương mại một cơ hội) dày 274 trang bằng tiếng Anh do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2013.
Tác giả Joe Damond đã cung cấp cho người đọc góc nhìn đánh giá về quá trình bình thường hóa quan hệ và hợp tác, hội nhập giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Từ đối thủ “không đội trời chung”, hai bên đã cùng nhau kiếm tìm, gọt giũa và tỉ mẩn lắp ghép từng mảnh nhỏ của niềm tin, hy vọng để tạo nên một bức tranh BTA đẹp như chúng ta đã thấy.
Đến nay dù dịch Covid-19 hoàng hành nhưng năm 2020, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD. Nên nhớ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2000 chỉ 0,7 tỷ USD.
Sau khi cuốn sách của Joe Damond xuất bản được người đọc cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam háo hức tìm đọc thì người ta trông chờ phía Việt Nam, góc nhìn của người đồng nhiệm Nguyễn Đình Lương về Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ như thế nào?
Là người đảm nhận vai trò trưởng đoàn đàm phán suốt 5 năm trời, ông Nguyễn Đình Lương có rất nhiều trăn trở, suy nghĩ để hiệp định được ký kết để mở ra một tư duy phát triển kinh tế mới.
Hơn 40 bài trả lời phỏng vấn, các bài viết do ông cầm bút và những cuộc trò chuyện của ông tại các hội nghị, diễn đàn đã cung cấp cho người đọc quá trình đàm phán đầy cam go nhưng cuối cùng đã đi đến thành công. Ngoài ra, các nhà báo như Quảng Hà, Minh Đức, An Thanh có thời gian bên cạnh ông, khai thác thêm mảng đề tài BTA ảnh hưởng như thế nào đến việc Việt Nam gia nhập WTO, CPTPP, CPTPP.
Cuốn sách “Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế” được chia làm 3 phần. Phần đầu có tên: “BTA- toàn cảnh về một chặng đường” là các góc nhìn khác nhau về Hiệp địnhThương mại Việt - Mỹ, cả của phía Việt Nam lẫn của chính khách Hoa Kỳ.
Cuốn sách "Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế" gồm 3 phần |
Người đọc có thể thấy các đánh giá, nhận xét của Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Cựu Trưởng đoàn đàm phán BTA Hoa Kỳ Joseph Damond,...
Ở phần này, ông Nguyễn Đình Lương đã tóm lược tinh thần cốt lõi của 9 chương, 7 phụ lục của Hiệp định BTA.
Phần 2 “Những bài học còn nguyên giá trị” là những đúc kết của chủ biên cuốn sách Nguyễn Đình Lương và các bài viết đã đăng trên các tờ báo lớn của Việt Nam.
Các bài viết đã khẳng định giá trị của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ theo thời gian của các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà báo.
Phần 3 “Hội nhập kinh tế dưới góc nhìn chuyên gia đàm phán” là góc nhìn do chính chuyên gia Nguyễn Đình Lương lĩnh xướng.
Hiệp định BTA đã thực sự tạo lối rẽ, làm thay đổi quan trọng nền kinh tế Việt Nam suốt 2 thập kỷ qua, mở đường cho Việt Nam hội nhập thế giới thành công.
Những bài viết trong cuốn sách “Việt Nam lối rẽ của một nền kinh tế” sẽ giúp cho bạn đọc thấu hiểu vì sao Việt Nam và Hoa Kỳ lại có thể phát triển quan hệ đến mức đối tác toàn diện như hôm nay.
Phát biểu tại Lễ ra mắt sách, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế đô thị cho hay, nhận thấy “Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế” là một cuốn sách có giá trị, Báo Kinh tế và Đô thị, Nhà xuất bản Thông tấn đã hợp tác để tác phẩm có thể đến tay người đọc.
Theo Tổng biên tập Báo Kinh tế đô thị, việc xuất bản và đưa cuốn sách tới công chúng cũng là cách để phổ biến Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ một cách rộng rãi.
Ông Đức cũng trích lại lời nhận xét về cuốn sách của ông Hồ Tiến Nghị, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên trợ lý Tống Bí thư trong lá thư tay riêng cho tác giả Nguyễn Đình Lương.
Trong thư, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã khẳng định, cuốn sách như một kho kiến thức rất có giá trị. “Ai đọc qua chắc chắn cũng hiểu như tôi là mình đã lĩnh hội nhiều kiến thức về nhiều lĩnh vực: Kinh tế, Thương mại, Kinh tế- Chính trị; hội nhập quốc tế và khu vực. Và qua đây cũng lưu ý cho mọi người phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và cách ứng xử các vấn đề đang đặt ra cho đất nước”, trích nội dung thư tay của nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam,
Về tác giả cuốn sách, ông Nguyễn Đình Lương, sinh năm Canh Thìn (1940) trong một gia đình thuần nông ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Từ nhỏ ông nổi tiếng là người khảng khái và học giỏi, những bạn bè ông tại Trường Huỳnh Thúc Kháng (Vinh) và Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) đều công nhận điều đó. Sau khi về nước, ông làm giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và sau đó công tác tại Bộ Thương mại.
Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, ông đã được đích thân Phó Thủ tướng Trần Đức Lương lựa chọn làm Trưởng đoàn đàm phán BTA trong suốt 5 năm.
Là người xứ Nghệ, ông nổi tiếng bộc trực nhưng trong quá trình đàm phán, ông lại thể hiện là người mềm dẻo, linh hoạt,kiên định. Chính những hiểu biết của ông về Hoa Kỳ, về văn hóa Mỹ, về nền kinh tế Hoa Kỳ và bối cảnh lịch sử lúc đó, những mục tiêu mà đoàn đàm phán Hoa Kỳ cần phải đạt được cùng với sự cương, nhu đúng lúc tạo được niềm tin cho chính đối tác để đi đến thỏa thuận thành công.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ.
Một tháng sau, ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
5 năm sau, ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sau nhiều vòng đàm phán.
Kể từ khi BTA có hiệu lực (ngày 10/12/2001), Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.