Tính đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp báo chiều 22/4.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam chủ trì cuộc họp Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam chủ trì cuộc họp

Tại buổi Họp báo của Ngân hàng Nhà nước diễn ra chiều 22/4, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020.

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

“Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời”, ông Hà nói.

Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ.

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ nội dung về hoạt động của chính sách tiền tệ

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ nội dung về hoạt động của chính sách tiền tệ

Thống kê đến 16/4/2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến 05/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456.600 khách hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin tại buổi Họp báo

Ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin tại buổi Họp báo

“Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là gần 40 tỷ đồng”, ông Tuấn Anh cho biết.

Về hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng.

Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ (như 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án).

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 3/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

“So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị”, ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, lãnh đạo NHNH cho biết, hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch Covid-19; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo trong năm 2021, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, diễn biến tỷ giá, cung cầu ngoại tệ để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen;

Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng sẽ tiến hành tổng kết Đề án 1058 và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Tăng cường làm việc trực tiếp với TCTD để chỉ đạo về công tác xử lý nợ xấu, xây dựng các kịch bản để kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội...

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và các Thông tư hướng dẫn triển khai; nghiên cứu, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án.

Phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện...

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục