Nguy cơ từ cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đang sử dụng công cụ lãi suất nhằm hãm lại đà tăng của lạm phát.
Nguy cơ từ cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với vấn đề lớn: lạm phát. Đặc biệt, với các nền kinh tế phát triển thuộc khu vực OCED, lạm phát hiện ở mức tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ trở lại đây. Anh là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982 tới nay.

Các ngân hàng trung ương được chính phủ giao nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thường là khoảng 2% tại các nền kinh tế phát triển, đảm bảo cho việc nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh và thị trường lao động khả quan.

Tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ thường là giải pháp được các ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát đà tăng phi mã của giá hàng hóa. Và thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến hành nâng lãi suất điều hành.

Ngày 16/6 vừa qua, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đồng loạt nâng lãi suất. Trong đó, SNB nâng lãi suất từ mức -0,75%/năm lên âm 0,25%/năm, mức tăng 0,5%/năm này đã gây bất ngờ với nhiều chuyên gia kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên SNB nâng lãi suất trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, BOE tăng lãi suất thêm 0,25%/năm lên mức 1,25%/năm, ghi nhận lần nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong vòng nửa năm qua.

Ngân hàng Trung ương Hungary cũng bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5%/năm, lên 7,25%/năm trong bối cảnh lạm phát của nước này đang ở mức hai con số.

Trước đó, vào ngày 15/6/2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có đợt nâng lãi suất thứ ba liên tiếp, với mức tăng 0,75%/năm, mức cao nhất kể từ năm 1994. Động thái chính sách này diễn ra trong bối cảnh CPI tháng 5 của Mỹ tăng 8,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981 đến nay.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9, sau khi tuyên bố sẽ dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 7.

Lạm phát là thước đo sự tăng giá hàng hoá tiêu dùng dựa trên một rổ hàng hoá và dịch vụ. Giá cả thường tăng khi nguồn cung bị hạn chế hoặc khi nhu cầu vượt quá nguồn cung. Lãi suất tăng lên khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, dẫn tới nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hàng hoá và dịch vụ sẽ bị hãm lại. Qua đó, lạm phát sẽ dịu đi khi nhu cầu bị nguồn cung vượt lên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát là “con dao hai lưỡi”, mà tác dụng không mong muốn là suy thoái kinh tế. Thống đốc BOE Andrew Bailey đã cảnh báo rằng ngân hàng trung ương này đang đứng trước một “lối đi rất hẹp” giữa lạm phát cao và tăng trưởng yếu.

Một số nhà phân tích dự báo Fed có thể buộc phải cắt giảm lãi suất ngay từ đầu năm sau để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế.

Tại Mỹ, một số nhà phân tích dự báo Fed có thể buộc phải cắt giảm lãi suất ngay từ đầu năm sau để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế.

Nền kinh tế Anh được dự báo sẽ giảm tốc dần tới mức không còn tăng trưởng trong năm tới và nước này sẽ tụt xuống đáy về tăng trưởng trong số các nền kinh tế OECD, nếu không tính Nga.

Ngoài vấn đề tăng trưởng và lạm phát, một vấn đề khác được đặt ra là ổn định tài chính. Tại Eurozone, lãi suất tăng lên và việc ECB kết thúc chương trình mua trái phiếu đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ “rã đám” của khối đồng tiền chung, tương tự như trong cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực này hồi giữa thập niên trước.

Trong một cuộc họp bất thường vào trung tuần tháng 6, ECB đã tìm cách xoa dịu những mối lo này. Cuộc họp diễn ra sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Italy và Hy Lạp tăng vọt do nhà đầu tư đặt cược rằng việc châu Âu cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế sẽ đặt ra áp lực lớn đối với các chính phủ đang vay nợ lớn trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế trưởng Katherine Neiss thuộc PGIM Fixed Income nói: “Chưa biết liệu khu vực sử dụng đồng euro có chống chọi được với mức lãi suất trên 0% hay không”.

Các quốc gia đang phát triển với mức nợ USD lớn có thể chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, vì lãi suất ở Mỹ tăng lên và đồng USD tăng giá sẽ khiến gánh nặng nợ nần của các nước này trở nên căng thẳng hơn.

Sri Lanka, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị, đã vỡ nợ. Giới phân tích nói rằng một số nước như Ghana và Pakistan cũng có thể đối mặt với thách thức lớn.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục