“Cuối tuần rồi, cô bạn thân đang sinh sống ở nước ngoài gọi điện hỏi thăm công ty chứng khoán nào có hệ thống ổn, phí rẻ để mở tài khoản tự đánh chứng khoán”, Hoa, một nhà đầu tư có thâm niên 10 năm trên thị trường chứng khoán kể.
Cô bạn Hoa theo chồng sang Mỹ sống đã được 5 năm. Thủa còn học đại học tại TP.HCM, vợ chồng cô cũng nhiều lần ngắm nghía kênh chứng khoán.
Nếu như trước kia, mở tài khoản chứng khoán phải qua nhiều thủ tục, chủ tài khoản cũng phải ký vào hợp đồng giấy trắng mực đen rõ ràng với công ty chứng khoán, thì nay, với công nghệ xác thực định danh điện tử (eKYC), việc mở tài khoản trở nên rất đơn giản. Chỉ cần vài thao tác trên website của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư đã có thể mở tài khoản trực tuyến, chuyển tiền vào và mua bán.
Những thao tác này chỉ mất chưa đầy một buổi sáng, tiện ích là thế nên nhiều người Việt ở nước ngoài đang quan tâm tới kênh đầu tư này, bởi nhìn nhận với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, cơ hội với thị trường chứng khoán là khá lớn.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SGI chia sẻ trong một bài viết gần đây, trong 10 năm qua, VN-Index (đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam) tăng trung bình 9%/năm (chưa tính 2% cổ tức bằng tiền), bằng với mức tăng EPS. S&P500, chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tăng trung bình 9%/năm trong 100 năm qua, mức tăng cao nhất trong các kênh tài sản tài chính bao gồm vàng, bạc, trái phiếu, tiền gửi, ngoại tệ, hàng hóa khác. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 10 - 15%/năm là động lực chính của sự tăng giá dài hạn của thị trường chứng khoán.
Nhìn sang các nền kinh tế đi trước Việt Nam, có thể thấy hai xu hướng dài hạn, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm và đầu tư tài chính là con đường tất yếu trong quá trình tích lũy và phát triển tài sản cá nhân.
Có thời gian quan sát thị trường chứng khoán quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi sang thăm con trai tại Canada và bị “mắc kẹt” tại đây gần 5 tháng vì dịch Covid-19, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, ở nước ngoài, người dân không có cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong khi các gói cứu trợ của Chính phủ liên tiếp được tung ra, nên tiền dồn về chứng khoán rất nhiều.
Nhìn nhận về khả năng có một lực lượng người Việt ở nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán Việt Nam hay không trong bối cảnh chứng khoán ở nhiều nước phát triển đã tăng liên tục và có mức định giá rất cao, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên cho rằng, “rất có thể”.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán khó hoặc rất mất công mới có thể phân biệt được nhà đầu tư nào ngồi trong nước, nhà đầu tư nào ngồi ở nước ngoài đặt lệnh. Công nghệ hiện nay cho phép lãnh đạo, nhân viên công ty chứng khoán ở nhà có thể làm được đủ mọi nghiệp vụ.
Tương tự, nhà đầu tư ở bất cứ đâu cũng có thể đặt lệnh mua bán chứng khoán ở Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình cạnh tranh khắc nghiệt trong ngành chứng khoán những năm qua.
Đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, thuế mà tôi phải trả ở cả Việt Nam và Anh là trên 60% khoản thu nhập.
Dù vậy, không hẳn chứng khoán Việt thực sự hấp dẫn người Việt ở nước ngoài. Thông thường, đội ngũ chất xám tinh hoa có nhiều cơ hội tốt để đầu tư, bởi họ có khả năng nhìn bức tranh toàn cảnh các thị trường khắp thế giới, so sánh ưu việt và mức độ quản trị rủi ro…
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, một người Việt khá nổi tiếng trong giới tài chính hiện đang sống và làm việc tại Anh quốc cho biết, trước đây, anh có đầu tư cổ phiếu ở trong nước, nhưng giờ không quan tâm, chủ yếu vì vấn đề thuế.
Anh phân tích: “Tôi mua cổ phiếu tại Anh một lượng lớn và được miễn thuế cổ tức và thu nhập đầu tư vốn. Còn mua ở Mỹ, tôi tránh được việc đánh thuế hai lần và được hưởng lợi về thuế ở Mỹ nếu tôi bán cổ phiếu bị lỗ. Còn đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, thuế mà tôi phải trả ở cả Việt Nam và Anh là trên 60% khoản thu nhập, nên tôi không còn quan tâm mua cổ phiếu trong nước”.
“Việt Nam cần một chính sách tương tự để khuyến khích một hình thức tiết kiệm mới bằng cổ phiếu”, chuyên gia này nhận xét.