Chứng khoán không phải cuộc chơi “gặp may một lần”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong 20 năm qua vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm nhưng nhiều lớp nhà đầu tư đã bị “vùi lấp” vĩnh viễn dưới chân các con “sóng thần”. 
Chứng khoán không phải cuộc chơi “gặp may một lần”

Đó là sự thật khắc nghiệt của thị trường chung và là những bài học không bao giờ quên của các lớp nhà đầu tư đó để lại. 

Vị “hoàng đế” trên sân cỏ Franz Anton Beckenbauer từng có một đúc kết rất ý nghĩa: “Kẻ mạnh chưa chắc là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh”. Trên TTCK, nhiều nhà đầu tư thường xem mình là “người đi săn (hunter)” các món hời, nhưng thực tế lại rất “phũ phàng” khi người đi săn lại biến thành “con mồi (hunted)”.

Vì nhiều lý do mà họ sẵn sàng thực hiện những chiến lược mà trong điều kiện tâm lý bình thường sẽ không thể nào nghĩ tới điều đó. Các trạng thái phổ biến có thể kể tới như sau:

Cờ bạc đãi tay mới

Trạng thái “cờ bạc đãi tay mới”, ám chỉ việc nhà đầu tư tham gia vào thị trường với suy nghĩ tò mò, khám phá và thử nghiệm nhưng kết quả thì ngoài sức tưởng tượng của họ, họ kiếm được rất nhiều tiền một cách dễ dàng.

Cả chuỗi quá trình này có thể nhìn lại như sau: ban đầu nhà đầu tư chưa có ý định gì về việc tham gia vào TTCK, nhưng khi nghe về việc kiếm tiền quá dễ, người này, người kia bên cạnh họ chỉ trong vài tháng có thể nhân vài lần tài khoản.

Họ tìm đọc các tin tức về thị trường hiện tại thì toàn những tin tích cực như GDP tăng trưởng, lạm phát thấp, xuất siêu, tỷ giá ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng…

Họ bắt đầu đầu tư thử những khoản vốn nhỏ trước và đều cho những tín hiệu tích cực, cho tới khi khoản tiền bỏ vào đã rất lớn nhưng thói quen vay nợ (margin) không bỏ được.

Cộng thêm các tác nhân bên ngoài từ bạn bè, người tư vấn khiến tài khoản lúc nào cũng trong trạng thái full margin.

Trước khi bắt đầu đầu tư, họ đã vướng vào một khái niệm gọi là “tâm lý đám đông”, trong quá trình đầu tư là việc “lẫn lộn giữa chuyên môn, trí tuệ bản thân với một thị trường giá lên hào hứng”, kết thúc quá trình thể hiện rất chính xác bản chất phi lý trí của con người khi đối diện với “tiền bạc” khi họ bán tháo cổ phiếu.

Ðây là quá trình mất tiền căn bản nhất mà ngay cả những người đã đầu tư lâu ở trên thị trường vẫn vướng phải. Thực sự đối thủ lớn nhất của nhà đầu tư từ gốc rễ chính là “sự bất ổn trong tâm lý của họ”. 

Lệ thuộc vào… may mắn

“Nghề đầu tư có đầy những con người nổi tiếng chỉ vì họ đúng một vài lần”, Howard Marks - một nhà đầu tư huyền thoại từng cho biết. Nhà đầu tư hay doanh nhân thành công đều không phủ nhận vai trò của sự may mắn trong cuộc sống nói chung.

Tuy nhiên, tư duy của họ về may mắn rất khác. Họ cho rằng may mắn hay cơ hội là hệ quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Ðiều này khác với tư duy bỏ tiền vào thị trường để cầu may, nếu được thì tốt mà mất thì cũng không sao.

TTCK Việt Nam cũng chứng kiến không ít những nhà đầu tư, môi giới kiếm được hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn thuận lợi, nhưng điểm chung là tiền kiếm được nhanh chóng lại rất khó để “rút ra” khỏi thị trường.

Thậm chí, trước giai đoạn năm 2008, các sinh viên ra trường một vài năm đã có thể kiếm được tiền tỷ từ việc môi giới cổ phiếu OTC hay theo ngôn ngữ trong ngành gọi là “cò OTC”. Và những đồng tiền dễ dàng (easy money) này đang ngủ quên trong chiến thắng lại tiếp tục chảy vào thị trường theo những giấc mơ huy hoàng.

Ðể rồi sau năm 2008, mọi người chỉ nhắc tới TTCK với các ký ức “kinh hoàng” khi mang cổ phiếu ra bán giá sàn vài tháng nhưng không ai mua, đã có những nhà đầu tư không chỉ mắc nợ mà thực sự đã bỏ mạng. Thực sự nếu giữ tư duy phụ thuộc vào sự may mắn trên thị trường thì rất khó để thúc đẩy TTCK trở nên tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.

Tin “cây đũa thần” thông tin nội gián

Khi ở một vị trí nắm quá nhiều thông tin nội bộ, trái chiều và thậm chí còn mâu thuẫn lẫn nhau, bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng sớm “trắng tay”.

Người nắm rõ thông tin của doanh nghiệp nhất không ai khác chính là ban lãnh đạo cấp cao, tiếp theo có thể là người thân và những nhà đầu tư lớn có mối quan hệ thân thiết.

Chỉ cần đặt câu hỏi đơn giản “nếu ban lãnh đạo lợi dụng thông tin kinh doanh cổ phiếu của chính doanh nghiệp thì trong dài hạn chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp trên sàn làm điều này và có chung một kết quả. Có câu nói: “Thị giá có cái lý của nó”.

Có thể hiểu theo 2 chiều: (1) nắm giữ những doanh nghiệp tốt thực sự nhưng giá chưa tăng; (2) thị giá không có bất kỳ quy luật nào. Nếu nhà đầu tư lựa chọn tư duy theo cách số (1) nhưng vì bất ổn tâm lý lại bị phân vân theo tư duy số (2), quy trình mua cao - bán thấp hoàn toàn có thể xảy ra vì không có sự kiên nhẫn chờ đợi.

Các ban lãnh đạo doanh nghiệp và bên liên quan nắm rất rõ thông tin là doanh nghiệp mình tốt, mua vào thêm cổ phiếu nhưng rốt cuộc thị trường chung không tăng vì nhiều lý do, giá cổ phiếu ngược lại giảm, họ cũng dễ dàng rơi vào tư duy số (2).

Ðây là rủi ro của việc đầu tư, không phải rủi ro trong thế giới kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Cả hai tư duy này nếu biết kết hợp, hiểu đúng thì sẽ thấy được ngay vấn đề.

Giá cổ phiếu là hệ quả cuối cùng phản ánh một quá trình dài những gì mà doanh nghiệp tạo ra cho cổ đông và là biến số không thể kiểm soát được.

Những gì mà doanh nhân cần làm là tập trung vào việc kinh doanh và tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp đó. Càng tập trung vào kết quả, nguy cơ mất kiểm soát càng cao.

Từ đây, có thể thấy sai lầm của một số nhà đầu tư là họ sẵn sàng “bỏ tiền” ra mua các thông tin nội bộ và nghĩ rằng có thể thu hồi lại với giá trị lớn hơn nhiều, điều này quá rủi ro như đã chứng minh.

Ðẽo cày giữa đường

Nhiều nhà đầu tư chỉ tham gia trong thị trường giá lên, giá xuống thì họ rút tất cả tài sản. Những người này thường xuyên mất tiền vì căn bản nền tảng không có gì giữ cho họ thoát khỏi “tâm lý đám đông”. Nhà đầu tư như vậy thường không có chính kiến, dễ “đẽo cày giữa đường” khi họ lắng nghe các quan điểm khác nhau.

Ðể chiến thắng thị trường, ngoài việc chuẩn bị dòng tiền để đầu tư, hãy chuẩn bị thêm kiến thức để nắm bắt cơ hội một cách độc lập, tránh tình trạng phụ thuộc vào các “tác nhân bên ngoài”.

“Phong cách” bảo thủ

Có một bộ phận các nhà đầu tư dài hạn nhưng giữ tư duy rất bảo thủ và không chịu trau dồi về mặt chuyên môn. Về mặt tư duy định hướng và kỷ luật, họ đã làm được, nhưng về quá trình “lựa chọn”, cụ thể là việc phân tích đầu tư thì không được bài bản và không kỹ càng.

Rất dễ thấy tại những thời điểm TTCK giá lên giai đoạn trước, rất nhiều nhà đầu tư “có tuổi” cũng tụ họp tại các sàn chứng khoán để thảo luận về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, họ rất dễ bị thu hút bởi các tin tức giật gân và hợp lý hóa tất cả các thông tin liên quan tới doanh nghiệp mà họ nắm giữ.

Phân tích không bài bản và việc nắm giữ lâu dài kết hợp với nhau có thể tạo ra những thảm họa vì “rủi ro mất vốn vĩnh viễn” vào những doanh nghiệp mà không biết khi nào mới vực dậy lại được.

Tóm lại, đầu tư là một nghề thực sự rất nhiều thử thách, khắc nghiệt, trong đó nhà đầu tư không thể đổ lỗi cho thị trường. Ở thị trường sơ khai hay thị trường phát triển, tất cả đều có chung một kết quả là số đông sẽ mất tiền dù thị trường có thay đổi như thế nào, sản phẩm đa dạng ra sao.

Tiền vẫn sẽ dịch chuyển từ những người thiếu chuyên môn, thiếu sự bài bản và kiên nhẫn sang nhóm còn lại - là những người thực sự đồng hành dài hạn, không ngừng trau dồi, học hỏi và có sự đóng góp những giá trị thực sự vào các doanh nghiệp mà họ đầu tư, chứ không chỉ khư khư nắm giữ và nghĩ về những khoản lợi nhuận lớn của cá nhân họ.

Ðể thực hành tốt triết lý kinh điển của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền, nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1, tác giả đề xuất một số cách thức chi tiết hơn như sau:

1. Cần tiếp cận mọi thứ với một tư duy đúng đắn, bài bản đi từ việc hiểu những điều căn bản nhất.

2. Xác định rõ và phải chấp nhận vòng tròn năng lực của mình, đừng đi quá xa vòng tròn này sẽ rất dễ mất kiểm soát. Có những kiến thức, những khoản đầu tư nhìn ban đầu có vẻ hấp dẫn nhưng thực sự là “ngoài tầm với”. "Tôi không thích nhảy qua bức rào cao 2 mét. Tôi chỉ tìm bức rào 30 cm để có thể bước qua” - Warren Buffett.

3. Luôn giữ thái độ “ngại rủi ro (risk averse)” và không bao giờ được thỏa mãn với các kết quả đầu tư vì thế giới kinh doanh thực tế rất phức tạp. Một kết quả đầu tư tốt và đáng tin cậy chỉ sau khi quá trình phân tích đã đánh giá chi tiết các loại rủi ro, không phải vì “gặp may” mà có lợi nhuận.

4. Không có khoản đầu tư nào tốt đến mức mà với bất kỳ giá nào cũng có thể mua được. Thị trường ngày nay đã chứng kiến những doanh nghiệp mở rộng quy mô tới vài chục lần so với giai đoạn năm 2008 nhưng thị giá mới bắt đầu quay trở về giai đoạn bong bóng đó.

5. Nếu bạn không biết đầu tư vào đâu, tạm thời hãy gửi tiết kiệm hoặc bỏ tiền vào một quỹ chỉ số.

6. Hãy chủ động thiết kế cho bạn một mạng lưới, một môi trường phù hợp với việc đầu tư dài hạn, ví dụ những người bạn cùng giá trị quan, những cuốn sách về đầu tư, nguồn vốn thực sự nhàn rỗi…, vì môi trường là thứ tác động tới tư duy chứ không phải chiều ngược lại.

7. Thực hành trong việc đầu tư có 2 dạng: học cách lựa chọn và học cách nắm giữ.                     

VOT PARTNERS
www.votpartners.com

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ